Đời sống

Có những người trẻ mê nghề truyền thống

Linh Thư - Tuệ An 14/04/2023 05:27

Việc gìn giữ nghề truyền thống trong giai đoạn hiện nay có quá nhiều biến chuyển, là một thách thức lớn. Thế nhưng, cũng có không ít nghề truyền thống đang từng ngày “sống dậy” nhờ sự nhiệt huyết của những người trẻ. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, mang trong mình hoài bão sẽ hồi sinh, gìn giữ bản sắc các địa phương.

ADQuảng cáo

Giữ nghề dệt bằng niềm tự hào

So với những công việc hiện đại đem lại thu nhập cao thì thu nhập từ nghề truyền thống sẽ không bằng, nhưng lắng nghe tâm sự của chính người trong cuộc thì nối nghiệp gia truyền thì có lẽ đây lại là niềm tự hào rất đáng để theo đuổi.

Chị H’Bình người dân tộc Mạ, là nghệ nhân với nghề dệt thổ cẩm tại bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chia sẻ, chị được mẹ mình là nghệ nhân H’Bạch (74 tuổi) với hơn 60 năm gắn bó với khung cửi, truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với chị nghề dệt không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Mạ, mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, gắn kết tình thân. Bởi thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Mạ.

 "Việc truyền nghề dệt thổ cẩm cũng không đơn giản ngày một ngày hai là biết. Phải kiên trì và có tâm huyết mới có thể học nghề và giữ nghề. Để dệt được tấm thổ cẩm có thể mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí mất cả năm trời mới dệt xong nhưng bù lại những tấm thổ cẩm được dệt bằng chất liệu tự nhiên, đầu tư nhiều tâm sức, để tạo ra hoa văn độc đáo giá trị của nó, cũng cao gấp nhiều lần những tấm thổ cẩm bình thường và được người Mạ giữ gìn như báu vật", chi H'Bình chia sẻ.

nghe-truyen-thong-5(1).jpg
Chị H’Bình người dân tộc Mạ là nghệ nhân với nghề dệt thổ cẩm tại bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Cũng chính vì am hiểu phong tục và mong muốn, lưu giữ giá trị truyền thống nên khi mới lớn chị được mẹ truyền nghề để trước khi lập gia đình tự làm ra những lễ vật thổ cẩm bắt buộc để hỏi chồng. “Mẹ không chỉ truyền cho tôi nghề truyền thống mà còn truyền cả tình yêu với khung cửi, sợ chỉ, màu sắc hoa văn của cộng đồng mình nên lúc này, tự bản thân tôi nghĩ phải có trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”, chị H’Bình bộc bạch.

nghe-truyen-thong-4(1).jpg
Hiện chị H’Bình đang là Tổ trưởng tổ dệt làng nghề truyền thống xã Đắk Nia

Không những vậy, hiểu được ý nghĩa, giá trị của thổ cẩm truyền thống và sống được với nghề, nghệ nhân H’Bình đang tiếp tục truyền dạy cho con gái Trần H’Nhàn (17 tuổi), hiện đang là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng dệt thổ cẩm. Sau hơn 3 năm học, đến nay H’Nhàn đã dệt được hàng chục tấm vải thổ cẩm, có tấm bán được đến vài triệu đồng. Trần H’Nhàn là thế hệ thứ 3 trong gia đình 3 thế hệ giữ nghề dệt thổ cẩm của nghệ nhân H’Bạch.

Hiện chị H’Bình đang là Tổ trưởng tổ dệt làng nghề truyền thống xã Đắk Nia, nhiều năm qua, mỗi khi địa phương có lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, chị đều được mời truyền dạy. “Cuối năm 2021, tôi và 6 nghệ nhân khác của tỉnh Đắk Nông được dự Ngày quốc gia Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Đó là niềm tự hào để thổ cẩm của người Mạ đến với cộng đồng quốc tế", chị H’Bình hồ hởi.

nghe-truyen-thong-9-1-.jpg
Trang phục truyền thống của người đồng bào M'Nông  mang giá trị truyền thống văn hoá sâu sắc
ADQuảng cáo

Người lưu giữ hương say của núi rừng

Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, rượu cần là lễ vật, sản vật có mặt mọi lúc, mọi nơi trong đời sống văn hóa xã hội. Ở Tây Nguyên trước đây gia đình nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ pha chế cho một ché rượu lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Chính vì thế mà không rượu nhà ai giống nhà ai, do rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau của từng gia đình.

Gần 10 năm nay chị H'Doen Sinur, dân tộc M’nông, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được mẹ chồng truyền lại cho cách làm rượu cần truyền thống của gia đình mình. Chị là một trong số ít những người trẻ của dân tộc M’nông giữ được đam mê với nghề truyền thống này.

nghe-truyen-thong-1-.jpg
chị H'Doen Sinur, dân tộc M’nông ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được mẹ chồng truyền lại cho cách làm rượu cần truyền thống của gia đình mình

“Mình rất thích ủ rượu cần, may mắn mình lại còn được mẹ chồng truyền dạy. Từ những ché đầu tiên dành cho các lễ cúng trong gia đình rồi mình nghiên cứu làm thêm. Vì mình nghĩ nếu chỉ nói giữ gìn và yêu văn hóa dân tộc mình không thôi là chưa đủ” chị H'Doen tâm sự.

Để có được ché rượu thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc M’nông là sản phẩm của một quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, tâm huyết, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến làm, ủ rượu và bảo quản. Đặc biệt ủ men từ các loại lá là công đoạn quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình làm rượu cần. Để ché rượu có đủ vị cay cay, đắng đắng rồi ngọt ngọt và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, chị H'Doen đã nghiên cứu nhiều loại gạo khác nhau và hương vị cay, ngọt theo yêu cầu riêng.

“Không chỉ giới thiệu sản phẩm rượu cần với bạn bè trong nước và quốc tế hơn hết mình muốn giới thiệu văn hóa của đồng bào M’nông mình. Vì bây giờ không làm thì không biết sau này có còn ai giữu gìn văn hóa đồng bào M’nông mình không và nhất là nghề ủ rượu cần truyền thống” chị H'Doen tâm sự.

Cần có sự đồng hành

Để nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển cần có sự đồng hành, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương và phải xuất phát từ thực tiễn, với phương pháp phù hợp. Cùng với việc thực hiện cho tốt các văn bản quy định của Nhà nước về công tác quản lý làng nghề, nghề truyền thống, các cấp chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào các dân tộc lòng tự hào, ý thức giữ gìn, phát huy nghề cũng như nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình.

Đồng thời, đồng bào phải hiểu rõ việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các nghề truyền thống, các giá trị văn hóa truyền thống là do chính bản thân mình thực hiện thì mới có hiệu quả, thiết thực. Các cấp chính quyền đóng vai trò, trách nhiệm tạo lập môi trường, điều kiện phù hợp với trình độ nhận thức và phương thức sản xuất đặc thù của từng cộng đồng dân tộc.

Đặc biệt trước tình hình thực tế hiện này việc theo đuổi và phát triển nghề truyền thống là một thử thách. Bởi phần lớn sản phẩm truyền thống đều phục vụ nhu cầu của lượng khách hàng nhất định hoặc mục đích tham quan, tìm hiểu du lịch. Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ, nhất là những người con được sinh ra, lớn lên ngay tại làng nghề, việc giữ gìn “lửa nghề” vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có những người trẻ mê nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO