Cơ hội, tầm nhìn mới trong hợp tác TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có những đề xuất, góp ý để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên.
Ngày 3/1, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp về hợp tác, đầu tư “TP. Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: Cơ hội mới, tầm nhìn mới”.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp.
Mở đầu hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên mong muốn các nhà đầu tư tìm hiểu, quyết định đầu tư để góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến xoay quanh phát huy tiềm năng lợi thế vùng Tây Nguyên như: du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch…
Liên quan đến sản phẩm chủ lực, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH CoachPro (Lâm Đồng) nêu, sản phẩm OCOP Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung rất chất lượng.
“TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu, cửa ngõ phát triển kinh tế nên chăng có thể xây dựng sàn giao dịch điện tử trưng bày các sản phẩm OCOP cho Việt Nam. Lâm Đồng sẵn sàng tham gia xúc tiến để cùng nhau quảng bá sản phẩm. Bởi nếu đi cùng nhau sẽ mạnh hơn và nhiều lợi thế hơn”, bà Hiền đề xuất.
Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần sàn giao dịch để các nhà đầu tư kết nối sản phẩm. Bởi đây sẽ là cơ hội mới để các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường mới, quảng bá thương hiệu các sản phẩm tốt hơn.
Liên quan đến sàn giao dịch OCOP nói riêng, các sản phẩm nói chung, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài trưng bày, các địa phương nên quan tâm đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm địa phương phải có ấn tượng trong mắt người tiêu dùng thì đầu ra mới tốt.
Về vấn đề du lịch, nghỉ dưỡng, Giám đốc Công ty Cổ phần Daksun Hill (Đắk Nông) Lê Tấn Hòa khẳng định Đắk Nông có vùng đất rất đẹp, phù hợp với du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, quy hoạch chung tỉnh có rồi, nhưng quy hoạch chi tiết chưa có nên doanh nghiệp khó thực hiện dự án. Chính quyền Đắk Nông cần đẩy nhanh các quy hoạch để nhà đầu tư đẩy nhanh đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, nhà đầu tư liên hệ Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh làm đầu mối để giải quyết khó khăn, vướng mắc nếu có.
Các sở, ngành cần nghiên cứu kỹ để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư đến kết quả cuối cùng”, ông Yên khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk) cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Tuy nhiên, để xuất khẩu nông nghiệp tốt hơn cần vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến sâu nông sản và hệ thống phân phối. “Chúng tôi cần nhà đầu tư đẩy nhanh xuất khẩu, xây dựng nhà xưởng bảo quản, chế biến sau thu hoạch”, bà Thanh chia sẻ.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp ở Kon Tum, Gia Lai đề xuất những chính sách về phát triển dược liệu, nguồn năng lượng xanh…
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, hiện nay, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội rất nhiều nhưng cơ hội cũng không ít. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là phải quyết tâm.
“Doanh nghiệp quyết tâm bám đuổi đến cùng trong tìm hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước; tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn chính quyền địa phương quyết tâm trong việc mở màn, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn đến cùng cho doanh nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp… đang trên đà thay đổi nhanh, mạnh mẽ. Tất cả doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tồn tại, phát triển, nếu không sẽ tụt hậu.
Trong khi, phía chính quyền địa phương đều đã có quy hoạch. Trong quy hoạch đó có kế hoạch, có dự án, công trình. Hạ tầng giao thông kết nối đã có sự đột phá. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tăng cường đầu tư các dự án.
Riêng TP. Hồ Chí Minh luôn luôn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các tỉnh trong khu vực. Sở NN-PTNT, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét, nghiên cứu triển khai sàn giao dịch điện tử cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm hoa, cà phê. Các doanh nghiệp trong vùng chủ động kết nối để tham gia và quảng bá thương hiệu của mình.