Cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn thương mại điện tử toàn cầu
Tiến trình đàm phán thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về thương mại điện tử vừa đạt bước ngoặt quan trọng, khi nhận được sự đồng thuận của khoảng 80 nước. Mặc dù còn đối mặt thách thức, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ sớm cán đích, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực thương mại điện tử.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy) |
Những năm qua, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển với tốc độ phi mã, nhanh hơn nhiều thương mại truyền thống, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính, với giá trị gần 5.000 tỷ USD, giao dịch thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 25% tổng giá trị giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thương mại điện tử giữ vai trò ngày càng quan trọng, nhưng thế giới vẫn chưa có bộ quy tắc chung nào về lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, các cuộc đàm phán nhằm xây dựng thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về thương mại điện tử đã được khởi động từ năm 2019, thu hút sự tham gia của 91 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chiếm hơn 90% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Trải qua 5 năm đàm phán tích cực, mới đây, khoảng 80 nước, trong đó có các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Trung Quốc, Canada, Australia, Saudi Arabia, Nhật Bản…, đã đạt thỏa thuận quy tắc quản lý thương mại điện tử toàn cầu.
Một điểm quan trọng của thỏa thuận là các bên tham gia sẽ miễn thuế đối với giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, số hóa thủ tục hải quan, công nhận chữ ký điện tử, quản lý rủi ro an ninh mạng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giới phân tích nhận định, bộ quy tắc này không chỉ tạo thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới mà còn giảm rào cản và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Khẳng định đây là bước tiến lịch sử, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, thỏa thuận mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến từ cả các nước phát triển và đang phát triển. Theo đó, giới doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi khi rào cản pháp lý và thuế quan được giảm bớt. Người tiêu dùng cũng được bảo vệ tốt hơn trong các giao dịch trực tuyến, giúp tăng niềm tin vào thương mại điện tử, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Thỏa thuận nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Bộ trưởng Khoa học Anh Peter Kyle khẳng định, những quy tắc mới mở ra cơ hội vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua số hóa thương mại. Phó Chủ tịch điều hành và Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nhấn mạnh, thỏa thuận góp phần quan trọng giúp các nước đang phát triển và kém phát triển hội nhập vào nền kinh tế số toàn cầu. Đại diện thường trực của Singapore tại WTO Tan Hung Seng cho rằng đây sẽ là bộ quy tắc thương mại kỹ thuật số cơ sở đầu tiên, góp phần vào sự phát triển thương mại điện tử ngày càng tăng ở các nước. Anh tuyên bố thỏa thuận này có thể làm tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh thêm 24,2 tỷ bảng.
Không khó để lý giải sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước đối với việc triển khai bộ quy tắc toàn cầu về thương mại điện tử, nhất là khi đối với nhiều nền kinh tế, thương mại điện tử là trụ cột quan trọng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, chặng đường đi đến triển khai thỏa thuận còn nhiều chông gai. Đến nay, một số nước tham gia đàm phán vẫn chưa ký thỏa thuận. Hoan nghênh việc các nước nhất trí về thỏa thuận thương mại điện tử toàn cầu, song Mỹ cho rằng thỏa thuận này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận với các bên liên quan để sớm tháo gỡ những vướng mắc.
Với gần 70% số dân đã tiếp cận internet, thế giới đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kỳ vọng, thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về thương mại điện tử sẽ sớm được triển khai, tạo nền tảng giúp lĩnh vực quan trọng này phát triển bền vững, trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.