Cơ hội cho học sinh trường nghề Đắk Nông
Thay vì định hướng cho con chọn các trường THPT, nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn học nghề để sớm lập thân, lập nghiệp.
Nhẹ gánh nỗi lo học phí
Sáng 24/5, chị Mến, phụ huynh một sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tự mình chạy xe máy, vượt quãng đường gần 30km để đến dự lễ tốt nghiệp của con.
Trong số hàng chục phụ huynh dự lễ tốt nghiệp ngày hôm đó, chị Mến có lẽ là người hạnh phúc nhất khi con chị được xếp loại giỏi toàn diện, có cơ hội việc làm rất cao.
Không giấu được sự hãnh diện, chị Mến cho biết, gia đình chị thuần nông. Chồng mất sớm, một mình chị bươn chải để nuôi 2 con. Người con trai đầu sau khi tốt nghiệp THCS đã lựa chọn đi học nghề với mong muốn mẹ đỡ vất vả và có thể sớm tìm được việc làm.
"Trong suốt 3 năm học cháu không phải đóng học phí nên gia đình cũng vơi đi gánh nặng. Đối với hoàn cảnh gia đình tôi, cho con học nghề là lựa chọn phù hợp nhất”, chị Mến nói.
Nói thêm về điều này, chị Mến cho biết, nếu theo học THPT hoặc ra ngoài tỉnh học nghề, hàng tháng chị có rất nhiều khoản phí phải đóng góp, lo lắng. Tuy nhiên, vì gia đình có hộ khẩu thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn nên khi học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông nên con trai chị Mến không chỉ được miễn toàn bộ học phí mà còn được nhận hỗ trợ hàng tháng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. “Những chính sách hỗ trợ rất phù hợp, giúp tôi và con tự tin khi chọn học nghề”, chị Mến nói.
Tham dự lễ tốt nghiệp của con, chị Mến hạnh phúc khi thấy con trưởng thành và có cơ hội việc làm rất cao khi doanh nghiệp về trực tiếp trường để tuyển dụng. Đây cũng là cơ hội để chị tìm hiểu môi trường làm việc của con, tư vấn, định hướng cho con trong thời gian tới.
“Dự lễ tốt nghiệp, tôi rất bất ngờ khi nhà trường mời nhiều doanh nghiệp về đây. Sau quá trình tìm hiểu, tôi khuyên cháu đi học tiếng và ra nước ngoài làm việc một vài năm để có điều kiện phát triển hơn”, chị Mến cho biết thêm.
Doanh nghiệp và nhà trường “bắt tay”
Sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ có việc làm ngay mà còn phải đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là một trong những mục tiêu mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định và coi đó là sứ mệnh tất yếu.
Ngoài việc tập trung đào tạo, chú trọng thực hành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu đơn vị sử dụng lao động.
Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Nhân lực và Thương mại Việt Nam (công ty chuyên về xuất khẩu lao động) đánh giá, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cơ bản đáp ứng được đòi hỏi về trình độ người lao động của một số quốc gia. Việc nhà trường “bắt tay” với các doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội để sinh viên ra nước ngoài học tập, làm việc. “Chúng tôi ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông để ngay khi sinh viên tốt nghiệp, sẽ được tư vấn, hỗ trợ đi làm việc tại quốc gia phù hợp với trình độ, năng lực và ngành nghề”, vị đại diện này nói.
Ông Nguyễn Mạnh Kha, Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Đại Lục (Đắk Nông) cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao trình độ người lao động và tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua các chương trình phối hợp, chất lượng đào tạo của các trường nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho cả tất cả các bên.
“Chúng tôi đã ký hợp tác với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đối với một số ngành nghề có liên quan đến hoạt động của đơn vị. Sau đào tạo, học sinh, sinh viên có thể tham gia ngay vào các công đoạn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Kha nói thêm.