Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 52 Luật Kế toán 2015 được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp không được làm kế toán, trong đó có trường hợp người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
Trả lời các vấn đề ông Lê Viết Tâm hỏi, truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) là việc buộc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ gây ra theo tội danh và hình phạt quy định tại Bộ luật Hình sự.
Người đang bị truy cứu TNHS là người đang trong thời gian bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự như khởi tố, điều tra; truy tố và xét xử. Trong thời gian này, người bị truy cứu TNHS có thể bị bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại).
Như vậy, trong thời gian người bị truy cứu TNHS, dù cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng hình thức tạm giam hay cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại) thì họ (người bị truy cứu TNHS) không được làm kế toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Kế toán.
Quy định về việc hưởng án treo
Theo Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Theo quy định tại Điều 88 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo, trường hợp người được hưởng án treo là người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu quy định nêu trên của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Kế toán, ngoài trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấm người bị kết án hành nghề kế toán và các trường hợp không được làm kế toán khác theo quy định tại Điều 52 Luật Kế toán được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP thì, không có quy định nào khác cấm người được hưởng án treo làm nghề kế toán trong thời gian thử thách.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.