Bà Nguyễn Thị Hiền (Gia Lai) là giáo viên mầm non từ tháng 9/1996 ở một huyện của tỉnh Kon Tum, thuộc diện hợp đồng dài hạn. Đến năm 2005, bà lập gia đình, chuyển về tỉnh Gia Lai nên làm đơn xin thôi việc. Bà đi làm hợp đồng, đóng BHXH từ năm 2006 đến năm 2011.
Từ tháng 11/2011 đến nay, bà vào biên chế, làm giáo viên mầm non tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Thời gian đóng BHXH của bà là hơn 26 năm.
Bà Hiền hỏi, thời gian tính thâm niên nhà giáo của bà là bao nhiêu năm, có được cộng dồn thời gian công tác ở ngành giáo dục không? Nếu được tính thì phụ cấp thâm niên của bà là bao nhiêu phần trăm và cấp thẩm quyền nào giải quyết?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Theo đó, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập và thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bà Nguyễn Thị Hiền tham gia giảng dạy có đóng BHXH bắt buộc từ tháng 9/1996 đến năm 2005. Sau khi nghỉ 1 năm, bà dạy hợp đồng từ năm 2006 đến năm 2011. Từ tháng 11/2011 đến nay, bà vào biên chế làm giáo viên mầm non tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2005 chưa rõ bà đã thanh toán 1 lần tiền BHXH hay bảo lưu nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có căn cứ trả lời bà về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Chinhphu.vn