Y tế - Sức khỏe

Cô đỡ thôn, bản - Cánh tay nối dài của ngành Y tế Đắk Nông

Ngô Đồng 10/09/2024 05:34

Những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CĐTB) đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Đề án "Đào tạo cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số" được hình thành năm 1992 với mong muốn các CĐTB bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân tộc mình. Mặt khác, bằng hiểu biết sau khi được đào tạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, CĐTB góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

Cô đỡ 5
Bà H’Rim, bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đến nhà tư vấn và thăm khám sức khỏe thai kỳ cho một thai phụ trong bon

Toàn tỉnh Đắk Nông có 155 CĐTB được đào tạo từ năm 2005 đến nay. Tính tới thời điểm hiện tại, còn 66 CĐTB đang hoạt động.

Theo đánh giá của ngành Y tế, thời gian qua, các CĐTB tại các bon, buôn, bản đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các bon, buôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Đội ngũ CĐTB đã và đang nỗ lực hết mình trong công việc, được ví như cánh tay nối dài của Chính phủ, chính quyền, ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Trải qua gần hai mươi năm gắn bó với hoạt động CĐTB tại địa phương, bà H’ Rim (46 tuổi), bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa không còn nhớ hết mình đã thực hiện tư vấn cho bao nhiêu phụ nữ, hỗ trợ cho bao nhiêu gia đình có được niềm vui trọn vẹn "mẹ tròn, con vuông".

Bà H’Rim tâm sự: “Phụ cấp ít ỏi nhưng bằng sự tâm huyết với nghề, với bon làng và được chồng, con ủng hộ, động viên nên đến nay, tôi vẫn miệt mài với công việc của mình. Hàng ngày, tôi vẫn "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống mới có lợi cho sức khỏe, nhất là trong sinh đẻ, chăm sóc trẻ em”.

Cô đỡ 11
Chăm sóc sức khỏe sau sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của CĐTB

Đến nay, bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa không còn tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà. Phụ nữ trong độ tuổi được tư vấn chăm sóc sức khỏe thai kỳ, sức khỏe sinh sản. Trẻ nhỏ được quan tâm chăm sóc đúng, đủ dinh dưỡng để phát triển một cách toàn diện.

Hiện tại, Đắk Glong có 16 CĐTB. Theo ông Vũ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, các CĐTB sống gần bà con đã giúp ngành Y tế thông tin đến người dân các nội dung liên quan đến chăm sóc phụ nữ mang thai, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ bị ốm. Từ đó nâng cao chất lượng, sự tiếp cận của cộng đồng với kiến thức làm mẹ an toàn tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, CĐTB còn tham gia hỗ trợ các trạm y tế trong các hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình…. Các CĐTB thường xuyên nắm bắt, báo cáo để quản lý và có phương án hỗ trợ, giúp các trạm y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại chỗ.

Phụ cấp ít ỏi nhưng bằng tâm huyết với nghề, vì sức khỏe cộng đồng, các CĐTB vẫn âm thầm cống hiến, đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe của người dân, làm giảm tai biến sản khoa. Những CĐTB là cánh tay nối dài của ngành Y tế góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô đỡ thôn, bản - Cánh tay nối dài của ngành Y tế Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO