Sáng 31/12, tại Hà Nội, Chính phủ đã bế mạc Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố. Nội dung phát biểu đã nêu lên những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2019 cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, công tác. Các ý kiến đều được Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2019, Việt Nam đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cao nhất từ trước đến nay. Đây nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cấp, ngành phải khắc phục những hạn chế, bất cập bằng những việc làm cụ thể để năm sau không lặp lại. Cụ thể như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, ô nhiễm môi trường, rác thải, các bức xúc của xã hội như ma túy trong thanh thiếu niên, ma túy học đường...
![]() |
Các đại biểu Đắk Nông nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị |
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam mở rộng thêm, làm sâu thêm thông điệp “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" trở thành "Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội lấy lợi ích kinh tế”. Môi trường được giữ vững, bảo vệ, kết hợp với văn hóa xã hội làm nền tảng thúc đẩy kinh tế. Định hướng kinh tế, xã hội chủ nghĩa phải xây dựng được đội ngũ con người, doanh nhân hùng mạnh nhưng có trách nhiệm cao với xã hội, nhân văn. Chính phủ tiếp thu các bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu là: Kế thừa phát huy những kết quả đã đạt được của hơn 30 đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế...
Về nội dung đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong xã hội, tháo gỡ khó khăn về chính sách, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ, nói rõ luật nào, chính sách nào, không nói chung chung. Phương châm Chính phủ đưa ra là, một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa nhiều thông tư, nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 và 02 về phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 thì phải có chương trình hành động, triển khai ngay từ những ngày đầu năm, với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất. Trong đó, trước mắt không để xảy ra việc thiếu hàng, đẩy giá lên, lo cho mọi người dân đều có Tết nguyên đán, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội…