Cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm

Văn Tâm| 24/08/2018 10:01

Sau hơn 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ cấu lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2008, lao động khu vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm 81,49%, công nghiệp và xây dựng chiếm 3,36% và thương mại, dịch vụ là 15,14%. Đến năm 2016, lao động khu vực nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ 61,18%, lao động ngành công nghiệp và xây dựng là 15,8% và lao động khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 23,74%.

Từ con số trên cho thấy, cơ cấu lao động đang có xu hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng mạnh tỷ lệ lao động khu vực phi nông nghiệp với tốc độ chuyển dịch bình quân khoảng 2,5% mỗi năm. Cụ thể, lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 5%/ năm. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chủ yếu là ở nhóm lao động tạo ra các sản phẩm như: allumin, khí CO2, các sản phẩm gỗ ván xuất khẩu, đá xây dựng... Lao động thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ thời gian qua đang ghi nhận có sự tăng cao với mức tăng bình quân khoảng 9-10%/năm. Điều này có được là do kinh tế, xã hội của tỉnh đã có những bước phát triển ổn định, đời sống nhân dân nâng cao, nhu cầu sử dụng các dịch vụ, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng, nhất là ở các khu vực trung tâm thị xã Gia Nghĩa, trung tâm huyện, thị trấn, xã…

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) thu hút nhiều lao động nữ từ các huyện Tuy Đức, Đắk R'lấp đến làm việc

Tuy nhiên, theo đánh giá của  UBND tỉnh, sự chuyển dịch cơ cấu lao động tuy đang đúng định hướng song tốc độ còn chậm, chưa đáp ứng kịp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này chứng tỏ lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế và đang thu hút một lượng lớn lao động do quá trình cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng ta mới chủ yếu tập trung các chính sách cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, việc đào tạo chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, càng nhiều việc làm càng tốt mà chưa chú trọng đến chất lượng việc làm. Một số chính sách hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người lao động. Các chính sách, nội dung đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp thực tế địa phương, nhu cầu doanh nghiệp và lao động tại cơ sở.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2008-2017, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 46.000 người. Điều đáng nói số người có trình độ cao còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Cụ thể, trong giai đoạn này, toàn tỉnh chỉ đào tạo trình độ cao đẳng nghề cho 18 người thông qua hình thức liên kết; hơn 1.400 người có trình độ nghề trung cấp, còn lại phần lớn là trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng với trên 44.500 lao động. Các nghề được đào tạo cho người lao động chủ yếu về sửa chữa điện cơ, điện dân dụng, tin học văn phòng, kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật, may dân dụng, công nghiệp, dệt thổ cẩm.

Lao động nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động của tỉnh (Ảnh: Nông dân xã Nâm N'Jang (Đắk Song) trồng khoai lang)

Theo ông Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì để đánh giá tình trạng chuyển dịch lao động, điều quan trọng là đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn. Do đó, cùng với những giải pháp của UBND tỉnh về tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp, nâng cao chất lượng ngành nông, lâm, dịch vụ, các huyện, thị xã chú trọng triển khai hiệu quả hơn chương trình việc làm địa phương tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020. Qua đó, tạo nhiều việc làm tại chỗ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang công, nông nghiệp và dịch vụ. Quá trình này cần phải được các cấp, ngành chung tay tiến hành nhanh, thực chất hơn gắn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Quá trình xây dựng nông thôn mới cũng cần gắn với quá trình xây dựng đô thị. Với vai trò của mình, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng tới phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghiệp, dịch vụ.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/co-cau-lao-dong-chuyen-dich-dung-huong-nhung-con-cham-68041.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/co-cau-lao-dong-chuyen-dich-dung-huong-nhung-con-cham-68041.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO