"Có bộ đội giúp đỡ, bà con tự tin thoát nghèo!"
Đây là tâm sự của bà Nguyễn Thị Nẫy, bon R’bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) khi vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng Quảng Sơn.
Quyết tâm thoát nghèo
Sau hơn 1 năm ghép cải tạo, 3 sào cà phê của gia đình bà Nẫy phát triển tốt và cho nhiều trái. Giới thiệu với phóng viên Báo Đắk Nông về vườn cây này, chính bà Nẫy cũng không ngờ rằng, cà phê lại phát triển nhanh và sớm cho thu hoạch đến vậy.
Bà Nẫy cho biết, gia đình bà có 1ha cà phê hơn 10 năm. Do giống kém chất lượng, trái không đồng đều nên năng suất hàng năm đạt thấp. Nguồn thu nhập chính không bảo đảm cũng vì thế mà khó thoát nghèo.
Tháng 6/2023, gia đình bà Nẫy được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) Quảng Sơn hỗ trợ ghép cải tạo 3 sào cà phê. Không chỉ có bộ đội trực tiếp về tận vườn ghép chồi, bà Nẫy còn được hỗ trợ thêm giống, phân bón, kỹ thuật trong suốt 1 năm qua.
Bà Nẫy phấn khởi nói: “Cà phê ghép đã cho trái, số lượng và kích thước trái vượt trội hơn so với những cây cà phê giống cũ trong vườn. Tôi dự định mỗi năm sẽ mở rộng diện tích ghép cải tạo, để “trẻ hóa” toàn bộ diện tích cà phê còn lại”.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Đoàn KT-QP Quảng Sơn, hiệu quả kinh tế vườn cây vượt trội, quá vui mừng, gia đình bà Nẫy đã chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Đây cũng là nguyện vọng nhiều năm của gia đình bà, với suy nghĩ sẽ giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và tạo động lực cho các hộ nghèo khác trong vùng.
“Có bộ đội giúp đỡ, mẹ con tôi tự tin thoát nghèo. Có lẽ một hai năm tới sẽ còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng và nỗ lực hơn nữa”, bà Nẫy xúc động.
Từ năm 2022 đến nay, Đoàn KT- QP Quảng Sơn đã hỗ trợ 58 hộ dân ở các xã Quảng Hòa, Đắk R’măng, Quảng Sơn (Đắk Glong) ghép cải tạo cà phê. Theo số liệu đối chiếu, trước khi cải tạo, năng suất chỉ đạt tối đa khoảng 2 tấn/ha. Sau ghép, năng suất cà phê có thể đạt từ 4 đến 6 tấn/ha. Những vườn cà phê được hỗ trợ ghép cải tạo trở thành mô hình mẫu để người dân học hỏi, làm theo.
Ngoài hỗ trợ ghép cải tạo cà phê, Đoàn KT-QP Quảng Sơn cũng đã hỗ trợ 157 con bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ 30 hộ thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản… với tổng kinh phí 8 tỷ đồng.
Được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Khi đời sống đã ổn định, nhiều hộ dân từng được nhận hỗ trợ từ Đoàn KT-QP Quảng Sơn đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, san sẻ khó khăn với các hộ dân khác.
Là một trong những hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi dê, anh Trần Đình Kim, bon Sanar, xã Quảng Sơn chia sẻ, trước đây, anh không có kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi nhưng anh đã được cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP Quảng Sơn hỗ trợ tận tình. Ngoài tập huấn chăm sóc để dê sinh sản, phát triển, anh Kim còn được hướng dẫn làm phân hữu cơ trong quá trình chăn nuôi.
“Đến nay đàn dê đã phát triển tốt, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Vợ chồng tôi đã thống nhất, cuối năm 2024 sẽ làm đơn xin thoát nghèo để dành sự hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ dân khó khăn khác. Tôi rất mong muốn có thêm nhiều hộ nghèo của 3 xã Quảng Sơn, Quảng Hòa, Đắk R’măng có động lực, tự tin thoát nghèo sau khi được bộ đội giúp đỡ", anh Kim nói.
Củng cố vững chắc thế trận lòng dân
Thời gian qua, Đoàn KT-QP Quảng Sơn bám sát địa bàn, xuống từng hộ dân, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò, dê khỏe mạnh, lớn nhanh. Riêng đàn dê, hiện đã tăng đàn gấp đôi so với ban đầu.
Thượng tá Bạch Đình Minh, cán bộ kỹ thuật, Đoàn KT-QP Quảng Sơn cho hay, đơn vị thường xuyên tổ chức cho Đội trí thức trẻ tình nguyện xuống địa bàn giúp đỡ Nhân dân. Trong quá trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cán bộ, đơn vị đều sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, cho năng suất, hiệu quả cao.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và xây dựng nông thôn mới), Đoàn KT-QP Quảng Sơn đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở 3 xã Quảng Hòa, Đắk R’măng và Quảng Sơn, huyện Đắk Glong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Từ nguồn hỗ trợ này cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, nhiều hộ chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương.
Đặc biệt, không chỉ giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, các hoạt động hỗ trợ của đơn vị còn góp phần gắn kết tình quân dân thêm, qua đó tô thắm thêm truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tá Mai Phương Dũng, Chính trị viên phó, Đoàn KT-QP Quảng Sơn cho biết, 10 năm trở lại đây, đơn vị đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, giếng khoan… với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Các công trình, phần việc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội huyện Đắk Glong, làm thay đổi diện mạo nông thôn và ổn định đời sống Nhân dân trong vùng dự án.
“Phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, thời gian tới, Đoàn KT-QP Quảng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện triển khai các chương trình hỗ trợ Nhân dân và địa bàn đóng quân, qua đó củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn”, Trung tá Mai Phương Dũng khẳng định.