Chuyện lạ: Cà phê, sầu riêng xuất khẩu phà phà nhưng lại "khó trần ai" để vào siêu thị

27/07/2024 08:31

Nhiều doanh nghiệp cà phê, sầu riêng xuất khẩu sản lượng lớn đi các nước nhưng tại thị trường nội địa, lại gặp khó khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị.

Tại chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Đắk Lắk và TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức, đang diễn ra tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cà phê, sầu riêng cho biết hiện sản lượng xuất khẩu lớn nhưng để đưa hàng vào siêu thị lại không mấy dễ dàng.

Doanh nghiệp than khó đưa hàng vào siêu thị

Ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc HTX Thăng Tiến, cho biết HTX sở hữu 3.000 ha sầu riêng. Ngoài xuất khẩu sầu riêng tươi, doanh nghiệp đang tăng cường chế biến sâu và cho ra mắt sầu riêng sấy thăng hoa. Sản phẩm chất lượng tốt, được đánh giá cao nhưng đầu ra lại khó khăn.

Ông Dũng mong muốn kết nối với các nhà phân phối, doanh nghiệp lớn để đưa sản phẩm mới này ra thị trường, tốt hơn nữa là xuất khẩu.

Chuyện lạ: Cà phê, sầu riêng xuất khẩu phà phà nhưng lại "khó trần ai" để vào siêu thị- Ảnh 1.
Ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc HTX Thăng Tiến, chia sẻ về việc khó tìm đầu ra cho sầu riêng sấy thăng hoa, sầu riêng tươi cũng chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn dù xuất khẩu nhiều. Ảnh: Thúy Liên

Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty Vương Thành Công, cho biết doanh nghiệp chuyên sản xuất cà phê hữu cơ, cà phê mộc, cà phê OCOP, cà phê Robusta tại Đắk Lắk. Nhiều loại cà phê đã xuất khẩu thành công sang nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, xuất khẩu cũng là mảng chính của doanh nghiệp.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn mong muốn đưa cà phê vào các hệ thống phân phối, siêu thị để khẳng định thương hiệu. Tuy nhiên, theo ông Vương, để đưa hàng vào siêu thị hiện nay là không mấy dễ dàng.

Giám đốc doanh nghiệp này dẫn chứng khó khăn nhất có lẽ là phương thức thanh toán với siêu thị hiện nay. Hầu hết nhà sản xuất tại các tỉnh đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về vốn nhưng các siêu thị chậm thanh toán đơn. Chẳng hạn, các siêu thị quy định 45 ngày sau khi nhập đơn hàng thứ 2 mới thanh toán đơn hàng thứ 1. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Chúng tôi rất muốn kết nối cung cầu tại các thành phố lớn như TP.HCM. Chúng tôi mong muốn đơn vị phân phối có những yêu cầu, tiêu chí, sản lượng… để chúng tôi biết và cố gắng phấn đấu đạt tiêu chuẩn", ông Vương nói thêm.

Chuyện lạ: Cà phê, sầu riêng xuất khẩu phà phà nhưng lại "khó trần ai" để vào siêu thị- Ảnh 3.
Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty Vương Thành Công, cho biết để đưa cà phê vào siêu thị hiện nay là không mấy dễ dàng. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Hoàng Doanh Hữu - nhà sáng lập Miss Ede chuyên về cà phê Đắk Lắk, bày tỏ rất cần thay đổi quan điểm "2 đường thẳng song song" giữa nhà cung cấp tỉnh lẻ (quy mô nhỏ) và doanh nghiệp phân phối. Có như vậy mới thay đổi được bức tranh kết nối, cung cầu thời gian qua.

"Hy vọng các doanh nghiệp sản xuất sẽ có góc nhìn mới, tiếp cận siêu thị ở phương diện phục vụ nhu cầu của nhà mua, đó là tìm kiếm sản phẩm khác biệt và gia tăng lợi nhuận ở các sản phẩm phổ thông. Chúng tôi mong rằng các nhà bán hàng sẽ mở lòng hơn với doanh nhỏ chúng tôi", ông Hữu bày tỏ.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương

Dù cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị nhưng nhiều nhà phân phối cũng thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp địa phương vẫn chưa chủ động, còn nhiều hạn chế.

Đại diện MM Mega Market cho biết chất lượng sản phẩm của nông dân theo tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên không đồng đều. Nông dân chưa quen đảm bảo chuẩn chất lượng, kích thước dành cho hàng siêu thị. Do đó, cần cải thiện chất lượng đồng nhất hơn.

Chuyện lạ: Cà phê, sầu riêng xuất khẩu phà phà nhưng lại "khó trần ai" để vào siêu thị- Ảnh 4.
Chương trình Đồng hành cùng OCOP - tôn vinh nông sản Việt, được tổ chức mới đây tại Co.opmart. Ảnh: Hồng Phúc

Theo đại diện Saigon Co.op, thời gian qua, hệ thống này tích cực triển khai kết nối với nhà cung cấp địa phương, đưa hàng vào siêu thị. Gần nhất là chương trình Đồng hành cùng OCOP - tôn vinh nông sản Việt.

Qua làm việc, đơn vị đánh giá nhiều nhà sản xuất chưa hiểu được cách thức vận hành của siêu thị như mua hàng, kinh doanh, giá, vận chuyển. Chẳng hạn khi yêu cầu nhà phân phối chạy chương trình khuyến mãi thì doanh nghiệp cũng phải phải chủ động quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, bày tỏ chia sẻ với các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Ông cũng nhấn mạnh hệ thống phân phối, siêu thị tại TP.HCM rất lớn. Việc có hàng tại các siêu thị này giúp dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết phía siêu thị cũng đang phải kinh doanh. Diện tích quầy kệ siêu thị là "tấc đất, tấc vàng". Vì vậy, nhiều trường hợp đã vào được siêu thị nhưng chỉ sau vài tháng là rời kệ do mẫu mã, phương thức thanh toán, hạch toán, không được người tiêu dùng không ưa chuộng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết cuối tháng 9 này, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung câu lớn nhất từ trước đến nay, Mục tiêu hội nghị là kết nối nhà cung cấp tất cả địa phương với siêu thị lớn TP.HCM. TP.HCM kỳ vọng lần kết nối này mang hiệu quả do sẽ sớm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, nhu cầu của các địa phương trước khi chương trình diễn ra.

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/chuyen-la-ca-phe-sau-rieng-xuat-khau-pha-pha-nhung-lai-kho-tran-ai-de-vao-sieu-thi-20240726220905864.htm
Copy Link
https://danviet.vn/chuyen-la-ca-phe-sau-rieng-xuat-khau-pha-pha-nhung-lai-kho-tran-ai-de-vao-sieu-thi-20240726220905864.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chuyện lạ: Cà phê, sầu riêng xuất khẩu phà phà nhưng lại "khó trần ai" để vào siêu thị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO