Chuyển hướng chính sách tiền tệ phải gắn với khơi thông "rào cản" thủ tục hành chính
Bày tỏ nhất trí với từ khóa "phối hợp chính sách", chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, vấn đề này không chỉ đơn giản là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bởi về mặt liều lượng, cách thức, thời gian việc phối hợp giữa các chính sách này "đều đang rất phù hợp".
Theo ông, điều quan trọng ở đây là khả năng hấp thụ khi triển khai phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác. Các chính sách tiền tệ, tài khóa hiện nay như giãn, hoãn thuế đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thế nhưng nếu như chúng ta không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả chính sách. Sự phối hợp chính sách phải tính đến việc khơi thông rào cản, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Hiếu cho biết, gần đây, doanh nghiệp lo ngại một số dự thảo có nguy cơ làm tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đưa ra định mức về tái chế FS.
"Tôi không nói là những chính sách này không có mục tiêu và không cần thiết. Nhưng quan trọng là áp dụng tại thời điểm nào? Theo tôi, tại thời điểm này, không nên cản trở chính sách tài khoá, tiền tệ. Vì vậy, cần đồng bộ, khơi thông, hạn chế rào cản", Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.
Ba điểm khác biệt của Công điện 644
Đánh giá rất cao Công điện 644 ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: Đây là Công điện rất mạnh mẽ, có 3 điểm nhất khác biệt.
Ông lý giải, thứ nhất, Công điện đã nhấn mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí tài chính. Thứ hai, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Theo ông, việc này rất phù hợp. Bởi một mặt, Nghị quyết của Chính phủ đã nói rất nhiều về chính sách tài khóa, tiền tệ. Mặt khác, Thủ tướng lại có hẳn một công điện riêng để khơi thông nguồn lực cho vấn đề này.
Một điểm đáng lưu ý nữa là trong Nghị quyết của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ nhấn mạnh 2 từ "trọng tâm, trọng điểm".
Theo hướng này, chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn ở chỗ ngoài tín dụng thông thường, cấp vốn thông thường, có thể hướng đến xu hướng kinh doanh xanh, kinh doanh bền vững. Nếu như doanh nghiệp không chuyển đổi, thì sẽ bị ảnh hưởng bởi các thuế về CO2, cơ chế CBMA của châu Âu.
Như vậy, nguồn tín dụng này có thể hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm vào việc cho doanh nghiệp nguồn tài chính cơ cấu lại doanh nghiệp hướng tới xanh, sạch. Sự quan tâm tới năng lực hấp thụ, khả năng hấp thu và nâng cao hiệu quả nguồn lực là cần thiết.
Phải tạo ra được sự cộng hưởng khi chuyển hướng chính sách tiền tệ
Tán đồng quan điểm của chuyên gia Phan Đức Hiếu, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh rằng: Để chương trình chuyển hướng chính sách tiền tệ tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì việc đồng bộ nhóm chính sách là rất quan trọng.
Ông dẫn chứng: Chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp.
Hiện nay doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn.
Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế VAT. Đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí.
"Như vậy chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách. Tôi cho rằng, cần quản trị tốt lĩnh vực này thì mới điều phối tốt và cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.