Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Nới lỏng không có nghĩa là buông lỏng
Tại tọa đàm, trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu vấn đề: "Mặc dù lạm phát ở nước ta được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua. Song có nhận định cho rằng trong bối cảnh tình hình còn có những diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát còn lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với vấn đề kiểm soát lạm phát, cũng như liên quan tới nợ xấu và an toàn hệ thống. Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo về những nội dung này.
Tôi cho rằng nới lỏng hơn không có nghĩa là buông lỏng. Liệu đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không và các cơ quan chức năng cần làm gì để thực hiện hiệu quả việc nới lỏng hơn tiền tệ, vừa kiểm soát được tốt lạm phát theo mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng".
Nêu quan điểm của mình TS. Võ Trí Thành cho rằng: Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng hiện nay bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ mà về cơ bản, hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng.
Ví dụ, chúng ta nói đến nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền. Đối với chính sách tài khóa, có điểm khác biệt là vấn đề liều lượng, là tương quan giữa rủi ro và liều lượng (liều lượng quá mức thì tăng rủi ro).
Thế nhưng, hiện nay chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công mà chúng ta hay nói "có tiền mà không tiêu được".
Vừa qua, Thủ tướng có nêu rõ mục tiêu giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay là phấn đấu đạt 95%. Về nợ công so với mức trần mà Quốc hội đề ra thì hiện nay dư địa còn lớn.
Chuyển hướng chính sách tiền tệ phải quản lý được dòng tiền và giữ tỷ giá
Theo TS. Võ Trí Thành: "Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Về lãi suất, tôi đồng ý, như các chuyên gia phân tích cũng như mục tiêu của Chính phủ là lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối nay".
TS. Võ Chí Thành nhấn mạnh: Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi".
Theo ông, chúng ta còn dư địa hạ lãi suất nhưng mà tính toán con số hạ 1-1,5 điểm phần trăm có một số lý do.
Thứ nhất, chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Thứ hai là liên quan đến tỉ giá. Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỉ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỉ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn (giữa đồng Việt Nam và USD).
Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên "dễ dãi" thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính" - điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề. Cho nên, đây là một thách thức đối với NHNN. Ví dụ, vừa rồi sửa Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng Thương mại giám sát chặt rủi ro như tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
Như vậy, có thể có 3 rủi ro khi chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ. "Theo tôi, vấn đề lạm phát không phải quá lớn mà là 2 vấn đề: Dòng tiền đi vào đâu và tỉ giá", TS. Võ Trí Thành nói.
Một lần nữa ông khẳng định lại là còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Ông cũng đồng ý với ý kiến các chuyên gia là "lãi suất không phải liều thuốc vạn năng" mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn (có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…).
Chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Có rất nhiều người quan tâm liệu chúng ta có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá hay không, lo lạm phát, lo bất ổn. Tôi xin thưa, chúng ta năm nay không quá lo về lạm phát. Ngoài 3 lý do anh Thành phân tích tôi rất đồng tình thì xin cung cấp thêm 3 số liệu để củng cố niềm tin chính sách của chúng ta:
Một là cung tiền. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vừa tính toán lại số liệu đến ngày 30/6 thì M2, cung tiền của chúng ta mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền. Cái này tác động lạm phát rất rõ. Vòng quay tiền hiện nay của chúng ta 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022.
So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại.
Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. Và lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng gọi là "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài.
Việc này cũng không đáng ngại. Lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3,5-4% là cùng. Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng.