Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Các chuyên gia nói gì?

23/07/2023 14:08

Chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn là "rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu".

Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

Phù hợp với bối cảnh, thời điểm và mức độ

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, người điều phối chương trình nêu vấn đề: Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". 

Nêu quan điểm của mình TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng:Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước.

Theo ông, điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra. 

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ.

Trong thời kỳ quý I-III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". 

Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu.

Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực: Chuyển trạng thái chính sách tiền tệ sang "linh hoạt, nới lỏng" là rất phù hợp. Ảnh VGP

Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp! TS. Cấn Văn Lực khẳng định và phân tích: Thực hiện quyết sách trên phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng ban đầu.

Một là giá cả, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá.

Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn chúng tôi dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022.

Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Trong bối cảnh như vậy, áp lực đối với lạm phát, với tỉ giá trên thế giới đã giảm nhiệt đi rất nhiều.

Một bối cảnh nữa rất quan trọng là thực tiễn ở Việt Nam. Về cơ bản lạm phát (cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi) đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng. 

Thứ hai là kinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

Rõ ràng, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng là phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn là "rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu".

Rất đúng với yêu cầu và nhu cầu

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ro rằng việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn là "rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu". 

Ông Tuấn ví von, việc này cũng như là các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới. Bởi hoạt động kinh doanh thì cần vốn. Vốn với doanh nghiệp cũng như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn.

Theo ông Tuấn, nếu nhìn trong cả năm 2022 vừa rồi, riêng dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trước hết là dòng vốn từ trái phiếu là khó. Sau một thời gian bùng nổ, một phần nào đấy cũng do kiểm soát chưa tốt nên chúng ta điều chỉnh lại, dẫn đến tình trạng đóng băng và hầu như huy động vốn dài hạn từ trái phiếu rất khó.

Trong khi ấy, những khó khăn dồn dập khác từ thị trường thế giới cũng ập đến như: Đơn hàng giảm, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng thì lãi suất rất cao...

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất có giai đoạn mười mấy %, mà đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển.

"Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phải làm sao để chính sách tiền tệ đi nhanh vào thực tiễn

Theo ông Tuấn: Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục thúc ép, liên tục đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống. Cái này hoàn toàn đúng với nhu cầu doanh nghiệp. Bởi vì có vốn thì những doanh nghiệp xuất khẩu mới thuận lợi.

Hiện nay, đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều ngành hàng, việc có vốn để quay nhanh dòng hàng, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, rồi mở mang mặt bằng, mở mang hoạt động kinh doanh cũng cần vốn. Cho nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn là một quyết sách đúng đắn.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Cho nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lí để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bởi vì những con số kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh về kinh doanh, về doanh nghiệp rất đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - một mục tiêu quan trọng, chắc chắn ảnh hưởng đến lao động, việc làm, chắc chắn ảnh hưởng đến thu ngân sách và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Con số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm rất cao cũng là một tín hiệu cho thấy điều ấy.

"Cho nên chính sách này, dưới góc độ chúng tôi nhìn nhận, là rất quan trọng, cốt lõi và rất cần thiết trong giai đoạn này", ông Đậu Anh Tuấn khẳng định./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chuyen-huong-chinh-sach-tien-te-cac-chuyen-gia-noi-gi-119230723140851643.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chuyen-huong-chinh-sach-tien-te-cac-chuyen-gia-noi-gi-119230723140851643.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chuyển hướng chính sách tiền tệ: Các chuyên gia nói gì?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO