Sản phẩm cà phê robusta xuất xứ ở Đắk Mil (Đắk Nông) được nhiều chuyên gia thử nếm đánh giá cao, hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.
Mới đây, HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil cùng 12 doanh nghiệp, cơ sở rang xay trong nước đã tổ chức sự kiện trải nghiệm, thưởng thức cà phê chất lượng cao, đặc sản 2024.
Sự kiện có chủ đề “Trải nghiệm đa giống robusta”, thu hút gần 100 chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, HTX và trên 100 nông dân, người yêu thích cà phê trong nước, quốc tế tham gia.
Chị Trần Thị Bích Ngọc, chuyên gia thử nếm cà phê đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam có khoảng 40 giống cà phê robusta thì vùng đất Đắk Mil hầu hết trồng được.
Cà phê robusta trồng tại Đắk Mil có hương vị thơm ngon, đặc trưng. Đây là giá trị rất đặc biệt và cần khai thác tốt để nâng tầm cho sản phẩm cà phê Đắk Nông
Ông Skylar LinSay, Tiến sĩ nghiên cứu cà phê, Trường Đại học Bristol (Anh) chia sẻ: “Tôi thấy cà phê ở Đắk Mil có hương vị rất khác so với Đắk Lắk, Lâm Đồng và ngoài Bắc”.
Du khách, chuyên gia thử nếm đặc biệt thích thú và bị hấp dẫn bởi sự đa dạng về hương vị của cà phê robusta Đắk Mil.
Đắk Mil có khoảng 21.200ha cà phê, trong đó giống robusta chiếm khoảng 80% tổng diện tích. Giống cà phê robusta chủ yếu là TR4, TR5, TR7, TR9, TR10, TR13, TRS1, cà phê dây, xanh lùn, xoắn lùn, Thiện Trường, Nông Hóa, lá xoài.
HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil là một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao, đặc sản ở Đắk Nông. HTX liên kết với các hộ dân sản xuất trên 30ha cà phê; đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng để chế biến sản phẩm cà phê.
Ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil cho biết, cà phê chất lượng cao tại Đắk Mil còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trong xu thế hội nhập như hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng thưởng thức cà phê chất lượng cao. Do đó, HTX đang đi sâu về sản xuất, chế biến cà phê robusta chất lượng cao, đặc sản.
Huyện Đắk Mil khuyến khích nông dân, HTX phát triển cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, cà phê đặc sản. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu đạt 670ha cà phê đặc sản và đến năm 2030 đạt 1.350ha.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil cho biết, sự kiện do HTX Nông nghiệp Đắk Mil và các đơn vị tổ chức góp phần cùng địa phương định hướng, khuyến khích nông dân phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sự kiện đã giúp kết nối giữa nhà sản xuất, nhà rang xay, người tiêu dùng, góp phần tạo thị trường minh bạch, khai thác giá trị gia tăng trong toàn chuỗi sản xuất.
"Hy vọng, thời gian tới, người dân, HTX quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, tạo vị thế mới cho cà phê Đắk Mil nói riêng và cà phê Đắk Nông nói chung", ông Tuấn chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia thử nếm, cần phải hành động nhiều hơn để khẳng định vị thế, chất lượng của cà phê Đắk Mil. Đây là một trong những vùng trồng cà phê trọng điểm của Tây Nguyên.
Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, người làm cà phê quảng bá thương hiệu cho cà phê Đắk Mil đến với bạn bè trong nước và quốc tế.