Chuyên gia nói về động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%?

PV| 03/02/2025 09:18

Theo nhiều chuyên gia, trong năm nay, xuất khẩu vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế bởi đây là đầu ra của nhiều ngành công nghiệp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị trước các phương án hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp bối cảnh kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi.

Tiền đề vững chắc đưa kinh tế năm 2025 “cất cánh”

Trong ăm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều yếu tố rủi ro và bất định. Xung đột quân sự vẫn leo thang, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng. Bên cạnh đó, sự suy yếu của một số nền kinh tế lớn và tình trạng đứt gãy cục bộ trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân ở nước ta. Kết quả tích cực này được coi là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm trước.

Chuyên gia nói về động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8
Những tiền đề vững chắc sẽ đưa kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong năm 2025. Ảnh minh họa

Về xã hội, thu nhập của người lao động cũng tăng đến 8,6% và năng suất lao động tăng lên 5,88%. Đây chính là những con số chứng minh với thế giới về sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - bà Nguyễn Thị Hương - kết quả tăng trưởng tích cực của cả năm 2024 chính là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Trong năm 2025, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi để tăng trưởng kinh tế.

“Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định FTA. Đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển”, bà Nguyễn Thị Hương mạnh.

Động lực nào giúp kinh tế tăng trưởng 8%?

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cùng với đó, kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hóa và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường. Đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu.

Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cơ quan điều hành đã đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tiếp nhận, trao đổi về những vấn đề, vướng mắc với hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có thị trường tín dụng, thị trường bất động sản.

Từ đó, Chính phủ có những chỉ đạo, thông điệp quan trọng về bảo đảm các cân đối lớn, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Công tác truyền thông chính sách được thực hiện thường xuyên, tích cực, hiệu quả, qua đó giúp củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Cơ quan thống kê đánh giá, phát triển công nghiệp bán dẫn là mục tiêu chiến lược, không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như thương mại điện tử, chế biến chế tạo, logistics, mà còn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Việc tận dụng các hiệp định FTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, thị trường Halal; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt.

Chính phủ đã chỉ rõ kế hoạch đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.

Chuyên gia nói về động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8
Xuất khẩu vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế bởi đây là đầu ra của nhiều ngành công nghiệp. (Ảnh TTXVN)

Theo quan sát của cơ quan thống kê, nhìn lại thời kỳ phát triển của đất nước hơn 40 năm qua, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới kinh tế năm 1986, có một thời kỳ dài 5 năm từ 1992-1996 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất cao, bình quân đạt 8,8%/năm. Những năm này đất nước dần thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái kéo dài và bật nhanh do những đột phá về tư duy, cởi trói cho hoạt động sản xuất, chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và bắt đầu bước ra thế giới.

Tính từ năm 2011 trở lại đây, chỉ duy nhất năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt nam đạt 8,54% do nền năm 2021 tăng thấp và bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 (năm 2021, GDP tăng 2,55%).

Như vậy, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới, diễn biến và nội lực của kinh tế Việt Nam những năm qua, mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ đặt ra là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư; khai thác tốt tiềm năng nội tại và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế…

Chuyên gia nói gì?

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá, điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm qua là duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát dự báo được kiểm soát ở mức dưới 4%. Năm 2024, Việt Nam cũng là quốc gia có tăng trưởng kinh tế ở mức cao, dự kiến đạt trên 7% trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn.

Theo ông Thế Anh, những năm trước, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì hiện nay, Chính phủ đã làm rộng hơn về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước.

Nhận định về động lực tăng trưởng năm 2025, ông Thế Anh cho rằng, trong ngắn hạn vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với việc năm nay sẽ hoàn thành các dự án trọng điểm và khởi động loạt dự án mới. Chẳng hạn, năm 2025, Chính phủ hướng tới hoàn thành dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 và hoàn thành 3.000 km đường cao tốc…

Hiện Chính phủ dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 ở mức hơn 790.000 tỷ đồng, một con số khá lớn. Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo nguồn lực lớn lan tỏa vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.

Trong trung hạn, ông Thế Anh cho rằng Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.

“Đây là thời khắc quyết định và là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và củng cố đà phục hồi kinh tế”, ông Thế Anh cho hay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính - cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% như Thủ tướng đặt ra trong năm nay có thể đạt được nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi. Theo ông Độ, năm 2024 xuất khẩu đạt kỷ lục với hơn 400 tỷ USD; nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng vượt kỳ vọng. Trong năm nay, xuất khẩu vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế bởi đây là đầu ra của nhiều ngành công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị trước các phương án hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp bối cảnh kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi.

Các chính sách này cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh, duy trì sản xuất ngay cả trong bối cảnh kém thuận lợi. Hiện lãi suất ở mức thấp nên dư địa giảm thêm lãi suất không còn nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể cần chuẩn bị phương án tiếp tục giãn nợ cho các doanh nghiệp nếu cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Phúc Hiền - Giảng viên bộ môn Tài chính quốc tế, Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) đánh giá, với kết quả tăng trưởng của năm 2024, mục mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 mà Chính phủ đặt ra khoảng 8% là có cơ sở.

Nhận định xuất khẩu vẫn duy trì là động lực quan trọng, ông Hiền cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo và nông nghiệp.

Với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam cần ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời khích lệ đầu tư tư nhân trong nước.

“Đây là động lực quan trọng còn nhiều dư địa phát triển. Để phát triển khu vực này cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo", ông Hiền nói.

Cũng theo vị chuyên gia, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công vào hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng xanh và hạ tầng số. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, cần xác định ưu tiên để đầu tư và đầu tư có hiệu quả, bền vững...

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/chuyen-gia-noi-ve-dong-luc-giup-kinh-te-viet-nam-tang-truong-8-133860.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/chuyen-gia-noi-ve-dong-luc-giup-kinh-te-viet-nam-tang-truong-8-133860.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Chuyên gia nói về động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO