Kinh tế

Chuyên gia mách nước giảm thiểu rủi ro hóa chất cho sầu riêng

Phan Thanh Nga 23/04/2025 07:48

Các chuyên gia nông nghiệp đã mách nước cho nông dân Đắk Nông giải pháp giảm thiểu rủi ro do chất Cadimi và vàng ô (Aurmine O) trong sầu riêng.

Tại buổi tọa đàm giải pháp phát triển sầu riêng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tại Đắk Nông diễn ra vào ngày 18/4/2025, các chuyên gia nông nghiệp thông tin, trong ít tháng qua, hàng trăm container sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về do nhiễm Cadimi và vàng ô.

dsc08362-1-.jpg
Vườn sầu riêng trồng tại Đắk Nông ứng dụng giải pháp tưới tiết kiệm nước, thân thiện môi trường để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm (Ảnh: Đức Hùng)

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng từ tháng 7/2022. Từ thời điểm đó, sầu riêng Việt Nam bắt đầu bùng nổ. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 đạt 270 triệu USD và đến năm 2024 đạt 3,3 tỷ USD.

img_5075(1).jpg
Người dân Đắk Nông lắng nghe thông tin về sầu riêng và giải pháp tránh chất vàng ô, Cadimi tại buổi tọa đàm

Tuy nhiên sau thời gian phát triển “nóng” thì từ tháng 5/2024, Trung Quốc đã có cảnh báo về việc sầu riêng Việt Nam nhiễm Cadimi. Riêng những tháng đầu năm 2025, nhiều container sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc trả về.

“Trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng của chúng ta giảm 62% về sản lượng và giảm 69% về kim ngạch. Ngành hàng sầu riêng chiếm tới gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả. Khi sầu riêng bị tác động thì kéo theo ngành hàng rau quả của Việt Nam giảm sút mạnh”, ông Mười nhận định.

img_5039(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng người dân chỉ nên trồng sầu riêng ở những vùng đất được quy hoạch phù hợp

Ông Mười chia sẻ, theo số liệu quy hoạch thì đến năm 2030, Việt Nam chỉ phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng. Nhưng thực tế cuối năm 2023, Việt Nam đã có 154.000ha sầu riêng, trong đó Đắk Nông có trên 12.000ha.

“Tôi quan điểm rằng, chúng ta chỉ phát triển sầu riêng ở những vùng phù hợp để bảo đảm năng suất, chất lượng. Những vùng đất không phù hợp mà người dân cố trồng thì chi phí đầu tư cao, năng suất không đạt và thiệt hại rất lớn”, ông Mười nhấn mạnh.

dsc08170(1).jpg
Đắk Nông hiện là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn trong cả nước, với khoảng 12.000ha (Ảnh: Đức Hùng)

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ, Cadimi có thể xuất hiện trong quá trình chăm sóc sầu riêng do sử dụng lượng phân lân quá cao. Có những tỉnh thống kê được người dân bón 5kg phân lân cho 1 cây sầu riêng/vụ.

“Khi lượng phân lân quá cao trong đất và độ PH giảm sút thì lập tức nó chuyển thành Cadimi dạng hòa tan xâm nhập vào nông sản. Đặc biệt, nếu trên đất trồng sầu riêng thiếu trung lượng, vi lượng thì lập tức nó hút Cadimi nhiều hơn”, Tiến sĩ Nghĩa phân tích.

img_5050(1).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa khuyên người trồng sầu riêng nên thường xuyên kiểm tra chất đất, bón lượng lân phù hợp để tránh Cadimi trong quả sầu riêng

Bà Lê Thị Minh Nguyệt, Trưởng Đại diện Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (Tổ chức NHO), khu vực Đông Nam Bộ chia sẻ: Nhiều nông dân không biết những thành phần cũng như tác hại của phân, thuốc hóa học khi chăm sóc sầu riêng.

Sầu riêng hút những hoạt chất, dinh dưỡng của đất, đồng thời hút những độc tố ở trong đất. Cadimi hình thành từ những hoạt chất hóa học tích tụ trong đất nên cần phải dùng phân bón hợp lý cho sầu riêng.

img_5071(1).jpg
Bà Lê Thị Minh Nguyệt, Trưởng Đại diện Công ty TNHH Công nghệ NHONHO đưa ra giải pháp người dân nên ưu tiên dùng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thay vì phân hóa học chứa Cadimi

Theo bà Nguyệt, người trồng sầu riêng nên ưu tiên dùng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thay vì phân hóa học dễ làm phát sinh Cadimi.

Người trồng sầu riêng không sử dụng phân, thuốc chứa hoạt chất vô cơ trước thời điểm thu hoạch. Bà con cần giữ lại vỏ bao bì, mẫu phân thuốc đã sử dụng để dễ truy xuất khi có sự cố.

dsc02846-1-.jpg
Những năm gần đây, cùng với cả nước, Đắk Nông cũng đang tăng nhanh diện tích sầu riêng (Ảnh: Đức Hùng)

“Tôi được biết, thường trong thuốc xịt nhện, nấm mốc… có thể có thành phần hóa học của chất vàng ô. Vàng ô xuất phát từ gốc của thành phần hóa học”, bà Nguyệt chia sẻ.

sauriengducmanh-2-1-.jpg
Những thông tin, giải pháp về các giải pháp của các nhà khoa học, chuyên gia giúp người trồng sầu riêng tránh được chất vàng ô và Cadimi trong sầu riêng (Ảnh: Đức Hùng)

Bà Nguyệt cho biết thêm, hiện nay, ngay cả khi doanh nghiệp đã có phiếu kết quả kiểm nghiệm sầu riêng của Việt Nam nhưng có thể không được Trung Quốc công nhận và không xuất khẩu được. Do đó, doanh nghiệp và nông dân cần hết sức cẩn trọng trong sản xuất, kinh doanh sầu riêng.

Cadimi là kim loại nặng độc hại, thường có trong đất, nước ô nhiễm, gây tổn thương thận, xương và là chất gây ung thư nhóm 1. Vàng ô là chất nhuộm công nghiệp có màu vàng tươi, bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Cả hai chất này đều rất nguy hiểm nếu xâm nhập vào cơ thể qua ăn uống.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Chuyên gia mách nước giảm thiểu rủi ro hóa chất cho sầu riêng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO