Trước khi bước vào Asian Cup 2023, không ít cổ động viên lo ngại đội tuyển Việt Nam phải hứng chịu trận thua đậm trước Nhật Bản. Thực tế, thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier thua trận nhưng màn trình diễn của Đỗ Hùng Dũng và đồng đội đủ khiến người hâm mộ hài lòng.
Đội tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 2-4.
Đánh giá về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận xét: "Tôi cho rằng đội tuyển Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp. Các cầu thủ thoát được áp lực lớn. Chúng ta gặp đội rất mạnh, không bị co cứng và hoảng sợ, kể cả khi thua bàn đầu tiên. Cầu thủ vẫn bình tĩnh đá theo cách đã lựa chọn".
Theo vị chuyên gia này, cách chơi của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Nhật Bản hoàn toàn đập tan hoài nghi về triết lý chơi bóng mà HLV Troussier áp dụng. Ngay chính BLV Quang Tùng cũng có cái nhìn khác sau khi chứng kiến màn thể hiện của đội nhà. Ông cho rằng đội tuyển Việt Nam mạnh dạn kiểm soát bóng trong khi vẫn đề cao nhiệm vụ phòng ngự. Điều này tích cực hơn so với việc chỉ phá bóng.
"Tôi cảm giác cầu thủ và ban huấn luyện hơi cực đoan khi vận hành lối chơi kiểm soát bóng khi HLV Troussier mới nhận công việc. Tuy nhiên, trong trận đấu hôm qua (14/1), họ phát huy lối chơi này uyển chuyển và không máy móc. Các cầu thủ ngày hôm nay rất tự tin. Họ dám cầm bóng đột phá, dám phối hợp khi có thể", nhà báo từng có thời gian làm giám đốc điều hành một CLB V.League bình luận.
- Đội tuyển Việt Nam ghi 2 bàn vào lưới Nhật Bản từ những tình huống cố định, nhưng đó không hoàn toàn do may mắn?
Nếu nói có may mắn trong 2 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam thì chỉ đúng một phần. Ví dụ, ở bàn thứ 2, thủ môn Nhật Bản mắc lỗi. Bàn đầu tiên thì là một pha phối hợp chính xác đến từng milimet. Vấn đề là đội tuyển Việt Nam tự tin để phối hợp như thế. May mắn chỉ đến với người sẵn sàng và có khả năng.
Nhìn vào Nguyễn Đình Bắc, chúng ta có thể tin may mắn đến với người có tiềm năng, sự khát khao và dũng cảm. Trận thua như vậy trước đối thủ lớn cũng là khởi đầu chấp nhận được.
- Đội tuyển Việt Nam chơi tốt nhưng vẫn thua. Chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn có những vấn đề.
Sức chịu đựng của đội tuyển Việt Nam chưa cao. Các bàn thua đều đến ở thời điểm nhạy cảm. Bàn đầu tiên đến khi đội tuyển Việt Nam có sự khởi đầu tốt, trong 15 phút đầu. Nếu tôi không nhầm, chúng ta thua từ quả phạt góc đầu tiên. Cầu thủ đã bộc lộ sự mất tập trung. Đầu tiên, đó là pha bắt bóng của Nguyễn Filip và pha bóng hai chưa tốt.
Ở ba pha bóng thua còn lại, cần phải thấy rằng đội tuyển Việt Nam không theo được đối thủ ở 10 phút cuối mỗi hiệp. Cần phải có sự dẻo dai, cầm bóng tốt hơn. Trong 7-10 phút cuối cùng, các đội mạnh hơn để đẩy cao tốc độ trận đấu, nếu không đủ sức, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp rủi ro. Cũng cần nhìn vào thực tế, cú sút của cầu thủ Nhật Bản quá hay.
- Đội tuyển Việt Nam từng chơi kém trước Hàn Quốc và Iraq, những đối thủ cũng thuộc nhóm mạnh của châu Á. Tuy nhiên, trước Nhật Bản, các cầu thủ thể hiện tốt hơn hẳn. Sự khác biệt nằm ở điểm nào?
Bóng đá rất khó lường. Quá trình vừa đá giao hữu, vừa thi đấu chính thức của HLV Troussier là một quá trình hoàn thiện, nâng cấp đội bóng. Cùng với thời gian, mọi chuyện đang tốt lên. Trận đấu với Hàn Quốc là trận giao hữu cuối cùng, là đối thủ lớn nhất. Khi ấy, đội tuyển Việt Nam thua cũng không có gì đặc biệt.
Ở trận gặp Iraq, đó là đối thủ thực sự, đội tuyển Việt Nam nỗ lực nhưng sức chịu đựng chưa đủ, thua đúng vào phút bù giờ. Đội tuyển Việt Nam lúc ấy không còn theo được đối thủ. Đã 2 tháng trôi qua, quá trình tích luỹ và rèn luyện đã thêm một nấc mới.
Một chi tiết khác quan trọng là V.League đã đến vòng 8. Quá trình này giúp cho cầu thủ có trạng thái chơi bóng tốt hơn so với thời gian trước. Cầu thủ có guồng vận động tốt hơn.
- Có vẻ quá trình tích luỹ của đội tuyển Việt Nam bắt đầu mang đến thành quả rõ nét hơn.
Khi thay đổi triết lí và quan điểm chơi bóng, cầu thủ cần có quá trình "thẩm thấu". Thời gian quả thật là có giá trị của nó. Tôi nhớ ông Troussier có nói một ý hay. Đội tuyển Việt Nam là đội bóng bí ẩn và đến giờ thì đúng là có giá trị. Đội tuyển Việt Nam vẫn thua, nhưng đã tạo ra bất ngờ. Đẳng cấp giữa hai đội vẫn có khoảng cách xa.
Hai bàn thắng của đội tuyển Việt Nam cho thấy sự tự tin rất lớn. Đặc biệt, bàn của Tuấn Hải sẽ khích lệ toàn đội rất nhiều. Thanh Bình từng ghi bàn, nhưng hoàn cảnh rất khác. Không dễ để đội tuyển Việt Nam chơi mạch lạc như vậy. Còn bàn đầu tiên, nói may mắn cũng đúng, nói xuất sắc cũng đúng. Đình Bắc đã làm tốt nhiệm vụ
- Những áp lực mà các cầu thủ gặp phải trước trận đấu có phải chất xúc tác? HLV Troussier từng nói rằng càng bị nghi ngờ, ông và các cầu thủ càng thêm quyết tâm.
Sự nghi ngờ, thiếu niềm tin của đông đảo dư luận có thể là động lực để các cầu thủ chơi với nhiệt huyết lớn hơn. Họ đã có sự thấu hiểu về HLV rồi. Ngược lại, ban huấn luyện cũng hiểu cầu thủ rồi. Không còn sự cực đoan nữa. Không phải chuyền qua chuyền lại mới là kiểm soát bóng. Cần thiết, các cầu thủ có thể đá dài.
Có lẽ, lâu rồi mới có một trận đấu mà đội tuyển Việt Nam đối diện với nhiều nghi ngờ đến như vậy trước giờ bóng lăn. Tuy nhiên, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, nhiều người đã rất mừng. Có nhiều nét tươi sáng từ trận đấu này.
- Lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam ghi được đến 2 bàn vào lưới Nhật Bản trong một trận đấu chính thức giữa 2 đội. Kể từ Asian Cup 2019, 2 đội tuyển đối đầu với nhau tổng cộng 4 lần. Đây có phải màn trình diễn tốt nhất của các cầu thủ Việt Nam không?
Tôi nghĩ không nên dùng từ hay nhất, mà đúng là trận đấu này thú vị nhất, nhiều màu sắc nhất. Cách tiếp cận của đội tuyển Việt Nam sinh động hơn. Thực ra các trận đấu dưới thời của HLV Park Hang Seo vẫn rất tốt, họ chẳng có lỗi gì cả. Tư tưởng thời điểm ấy và bây giờ vẫn giống nhau, chúng ta phải phòng ngự trước.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam lúc này ghi nhiều bàn thắng, có nhiều pha bóng tự tin. Đội tuyển Việt Nam chơi hợp lí và mang đến những điều tích cực trong tương lai. Các trận đấu trước vẫn có giá trị riêng, mang đến những bài học để có sự tự tin bây giờ.
Trận đấu này vẫn có những dấu vết của quá khứ. Ví dụ, Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Hùng Dũng, Bùi Hoàng Việt Anh, Phạm Tuấn Hải đều đã thi đấu trước Nhật Bản. Nguyễn Thanh Bình thậm chí còn từng ghi bàn vào lưới đối thủ này. Tôi không muốn nói đến sự so sánh giữa các HLV với nhau. Bóng đá Việt Nam vẫn phải đi lên từng nấc, bắt đầu từ nền tảng phòng ngự.
Triết lí kiểm soát bóng không có nghĩa cứ phải tấn công. Bài học không khác nhiều so với HLV Velizar Popov ở đội Thanh Hoá. Thời gian đầu, ông ấy chỉ đá tấn công, nhưng sau một vài trận thua, ông ta hiểu rằng không thể tấn công một cách ngây thơ. Ngày hôm nay, đội tuyển Việt Nam cũng vậy, kiểm soát bóng và vẫn phòng ngự. Điều này tích cực hơn so với việc chỉ phá bóng.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.