Chuyên gia địa chất đến Đắk Nông tìm nguyên nhân sạt lở đất
Nhiều chuyên gia địa chất hàng đầu Việt Nam đã đến Đắk Nông khảo sát, tìm nguyên nhân sạt lở đất.
Chiều 7/8/2023, Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (thuộc Cục Địa chất Việt nam) đã khảo sát điểm sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Đại diện Sở GTVT Đắk Nông cho biết, hiện khu vực sạt trượt đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 7/8, phần đường gom đã có vệt nứt kéo dài cả trăm mét, sâu nhất 4 - 5m. Cung sạt trượt ngày càng lan rộng ra làn đường ô tô, vỉa hè và phần nền đất phía trong.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Sỹ Sơn, đây không phải là lần đầu tiên Đắk Nông xảy ra sạt trượt ở các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, lần sạt trượt này rất nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng lớn và gây ra nhiều thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Sở GTVT ước tính thiệt hại ở khu vực này có thể khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát dự kiến sẽ khảo sát các điểm sạt trượt khác ở bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức) và đập hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Đây là những điểm có diễn biến sạt trượt rất phức tạp trong những ngày qua.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh cho biết, tình trạng sạt trượt xảy ra ở khu dân cư, đường giao thông và cả công trình hồ đập thủy lợi.
Nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn, kéo dài. Nước thấm sâu khiến nền đất nặng hơn. Các khu vực có địa hình cao xuất hiện tình trạng trượt cục bộ xuống các thung lũng sâu.
Hiện tại, Đắk Nông đã di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt trượt ra nơi an toàn. Các đơn vị, địa phương cũng cắm các biển cảnh báo và cắt cử lực lượng chốt trực, theo dõi 24/24 giờ ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ. Chính quyền đang bảo đảm đời sống cho người dân phải di dời và tính toán phương án tái định cư để họ ổn định cuộc sống.
Về giải pháp lâu dài, Sở TN-MT Đắk Nông cho rằng cần có sự đánh giá của đội ngũ chuyên gia. “Việc các chuyên gia địa chất đến Đắk Nông có thể giúp cho địa phương tìm được nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng. Từ đó, các chuyên gia sẽ giúp tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng này”, ông Minh cho hay.
Theo TS. Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, việc khảo sát của Đoàn công tác nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN-MT. Ban đầu, Đoàn dự kiến chỉ khảo sát điểm sạt lở ở bon Bu Krắk.
Tuy nhiên, Đoàn sẽ khảo sát ở một số điểm sạt lở mạnh ở Đắk Nông. Qua đó, Đoàn sẽ đăng ký làm việc với tỉnh để trao đổi một số nội dung liên quan đến nguyên nhân và giải pháp ứng phó.