Chuyên gia AMRO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Lê Dương-Tất Đạt (TTXVN/Vietnam+)| 06/04/2023 15:28

Theo các chuyên gia AMRO, tiêu dùng nội địa tiếp tục ổn định, các ngành dịch vụ mạnh mẽ hơn và chi tiêu-đầu tư công gia tăng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Chuyen gia AMRO lac quan ve trien vong tang truong kinh te Viet Nam hinh anh 1 Nhà kinh kế cấp cao Anthony Tan cho rằng có nhiều lý do lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2023. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 6/4, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) lạc quan cho rằng tăng trưởng GDP của khối ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) là 4,6% trong năm nay và 4,5% trong năm tới, và mức tăng trưởng của khối ASEAN lần lượt là 4,9% và 5,2%.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại buổi họp báo công bố báo cáo, ông Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng của AMRO, cho rằng khu vực ASEAN+3 sẽ vẫn kiên cường, cho dù có những trở ngại lớn, do nhu cầu bên ngoài yếu hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.

Du lịch và thương mại nội khối sẽ được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, giúp giảm thiểu tác động từ nhu cầu từ Mỹ và châu Âu yếu hơn.

Theo đánh giá của AMRO, nhu cầu nội địa tại khu vực dự kiến sẽ vẫn mạnh, với chi tiêu hộ gia đình được duy trì nhờ thu nhập tăng và lạm phát thấp hơn. AMRO nhận định mức lạm phát tại hầu hết các nước trong khu vực đã đạt đỉnh và dự báo lạm phát của khu vực sẽ ở mức vừa phải, giảm từ 6,5% năm 2022 xuống 4,7% vào năm 2023, trước khi trở lại mức bình thường 3% vào năm 2024.

Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng của khu vực có thể bị giảm sút nếu như giá năng lượng tăng đột biến do khủng hoảng Ukraine leo thang, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc, hoặc kinh tế Mỹ suy giảm mạnh. Việc Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lo ngại về bất ổn định tài chính lớn hơn cũng có thể làm gia tăng sự biến động của thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan.

Dù mức độ tác động của bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu với khu vực vừa qua không lớn, nhưng các quốc gia cũng cần phải cảnh giác và thận trọng.

Tiến sỹ Hoe Ee Khor nhận định, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các hệ thống tài chính ASEAN+3 hiện đã linh hoạt hơn và được quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần duy trì cảnh giác, xây dựng lại vùng đệm chính sách và duy trì sự linh hoạt khi cần thiết.

Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam, các chuyên gia AMRO dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2023 và tăng lên 7,1% trong năm 2024.

Dù còn nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng của Việt Nam, như đã thể hiện trong con số tăng trưởng yếu của quý 1/2023, nhưng cũng có những lý do để lạc quan. Tiêu dùng nội địa tiếp tục ổn định, các ngành dịch vụ mạnh mẽ hơn và chi tiêu-đầu tư công gia tăng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, Tiến sỹ Hoe Ee Khor cho rằng ông vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích xuất sắc trong khu vực, đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao và đang thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng quý 1/2023 yếu hơn nhiều so với kỳ vọng, vì thế mức dự báo được giảm xuống 6% (so với mức dự báo 6,8% ban đầu). Nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ tích cực hơn với Việt Nam, và AMRO kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt từ 6,5% đến 7%./.

Lê Dương-Tất Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-amro-lac-quan-ve-trien-vong-tang-truong-kinh-te-viet-nam/855708.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-amro-lac-quan-ve-trien-vong-tang-truong-kinh-te-viet-nam/855708.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chuyên gia AMRO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO