Chuyển đổi số ở các HTX và khó khăn cần được khắc phục
Kinh doanh bằng công nghệ số đang được các HTX đánh giá là cơ hội để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, những khó khăn mà các HTX gặp phải đang rất cần được tư vấn hỗ trợ để phát triển.
HTX Nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô) là một trong số đơn vị ở Đắk Nông đi đầu trong chế biến bột ca cao và chocolate nguyên chất. Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao.
Năm 2022, HTX sản xuất trên 10 tấn bột ca cao, chocolate nguyên chất. HTX đang tìm hiểu để kinh doanh các sản phẩm bằng công nghệ số, giúp phát triển sản xuất ổn định, hiệu quả hơn
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, kinh doanh bằng công nghệ số tạo nhiều thuận lợi cho người mua, người bán. Người bán không cần cửa hàng mà sử dụng công nghệ số để cung cấp thông tin, sản phẩm, địa chỉ, tài khoản thanh toán.
Người tiêu dùng cũng không cần phải đi đến cửa hàng mà chỉ thao tác trên thiết bị công nghệ là mua được mặt hàng mong muốn.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số như hiện nay, việc mua, bán hàng online trở nên dễ dàng hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống.
Công nghệ số giúp HTX và người mua có thể trao đổi thông tin sản phẩm, mua sản phẩm dễ dàng. Nổi bật như các sàn thương mại trên Facebook, Shopee, Lazada, Sendo, Tiki…
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Đắk Nông hiện có trên 235 HTX, trong đó 183 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, khoảng 70% HTX bước đầu áp dụng công nghệ số vào kinh doanh, nhất là đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Kinh doanh bằng công nghệ số mang lại nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều HTX lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận lĩnh vực này.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho hay, HTX gặp nhiều khó khăn do trình độ quản lý và công nghệ thông tin còn hạn chế.
Vì vậy, HTX đã thuê đối tác có năng lực để đưa sản phẩm bột ca cao, chocolate nguyên chất lên sàn thương mại Shopee.
"Mặc dù mới đưa lên Shopee khoảng 3 tháng, nhưng sản phẩm của HTX được khách hàng đánh giá tốt, đầu ra thuận lợi hơn”, ông Nghĩa cho biết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sen, Giám đốc HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen (Gia Nghĩa) cho biết, sản phẩm cà chua, dưa lưới của HTX đã được chứng nhận VietGAP, có tem, nhãn mác, mã vạch.
Cách đây hơn 1 năm, các sản phẩm của HTX đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử. Thế nhưng, đến nay mức tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn còn rất ít.
Nguyên nhân là do HTX còn thiếu người có trình độ công nghệ thông tin để chăm sóc khách hàng trên sàn thương mại điện tử. Hiện nay, HTX chủ yếu bán hàng qua zalo, facebook và các kênh truyền thống.
Cũng theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị chức năng đã hỗ trợ các HTX về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thực tiễn năng lực, trình độ quản lý của nhiều HTX còn hạn chế, nhất là trong kinh doanh bằng công nghệ số.
Vì thế, Liên minh HTX tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ các HTX thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động.