Chuyển đổi số nông nghiệp Ðắk Nông

Hồng Thoan| 21/09/2022 08:51

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang thực hiện quá trình chuyển đổi số (CĐS) và quyết tâm đề ra những bước đi chắc chắn, phù hợp, đồng bộ nhằm huy động tốt mọi nguồn lực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu

Với những đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, nhiều nội dung dữ liệu không đầy đủ, nên CĐS của ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang gặp không ít khó khăn. Đây là lý do để ngành Nông nghiệp đặt quyết tâm cao, triển khai quyết liệt ngay từ đầu để thực hiện mục tiêu CĐS.

Giữ vai trò tiên phong trong CĐS

Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên hơn 650.000 ha. Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 380.000 ha, chiếm 58,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.

Tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện Đề án về CĐS nông nghiệp. Đây là mảng, lĩnh vực được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn triển khai làm điểm cấp sở, ngành để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Hồ tiêu Đắk Nông đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên phạm vi toàn tỉnh

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, chọn lĩnh vực nông nghiệp làm thí điểm CĐS vì nông nghiệp là trụ cột chính của kinh tế Đắk Nông. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là 3 nội dung lớn, có ảnh hưởng sâu rộng, trực tiếp, mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh toàn tỉnh.

Nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 là "1 trong 3 trụ cột kinh tế của Đắk Nông".

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều tỉnh, thành phố đã và đang ứng dụng mạnh mẽ CĐS, nông nghiệp Đắk Nông không thể đứng ngoài cuộc.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 1/11/2021 về CĐS tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 21/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 570 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy.

Đất đai,  khí hậu  là lợi thế cho Đắk Nông phát triển nông nghiệp

Trong đó, UBND tỉnh giao 96 nội dung, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phục vụ CĐS theo Nghị quyết 09, với mốc thời gian cụ thể từ 2022-2025.

ADQuảng cáo

Với tiềm lực của một tỉnh còn nhiều khó khăn, Đắk Nông đã xây dựng lộ trình phù hợp để CĐS một cách hiệu quả. Tỉnh sẽ tận dụng tốt chính sách CĐS của Trung ương, những kết quả về CĐS của những tỉnh, thành đi trước để thực hiện CĐS.

Ngày  8/8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1312 thực hiện Kế hoạch CÐS nông nghiệp đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung CÐS đồng bộ, toàn diện ngành Nông nghiệp bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
CÐS gắn với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ để thích ứng kịp thời với sự phát triển nhanh, sáng tạo của nền kinh tế số.
CÐS để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh lương thực; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, tuần hoàn, trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

CĐS để xác định thế mạnh cạnh tranh

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, CĐS cần phải chú ý nhiều hơn đến những điểm lợi thế cạnh tranh trong nông nghiệp của tỉnh.

Cụ thể, CĐS phải làm nổi bật những điểm mạnh của tỉnh so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, cả nước. Từ đó, phục vụ thu hút đầu tư theo chuỗi giá trị, gắn nông nghiệp với du lịch, công nghiệp, văn hóa...

Trong đó, một trong những lợi thế lớn của nông nghiệp Đắk Nông là về nguồn đất bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi, gắn với du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tiềm năng kết hợp với lâm nghiệp, những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc...

Đồ họa: N.Hiền - H.Thoan

CĐS cũng phải chú ý tới các yếu tố nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng bộ nguồn lực, phát triển bền vững, hài hòa với các lĩnh vực liên quan.

Mục tiêu của CĐS hướng tới là giúp gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phát huy, phát triển được kinh tế nông nghiệp. CĐS cũng giúp giải quyết những vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay như sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung, cung cầu chưa gặp nhau…

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch thực hiện CĐS một cách cụ thể, với nhiều nội dung rất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp.

Trong đó, Sở NN-PTNT đang đẩy mạnh thực hiện thu thập đầy đủ, chính xác các bộ dữ liệu thuộc các mảng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng, chống thiên tai... để làm cơ sở tích hợp thành dữ liệu lớn của toàn ngành.

Từ kết quả thu thập được, Sở NN-PTNT sẽ phân tích, đánh giá, dự báo, đưa ra các bước đi tiếp theo để CĐS một cách chắc chắn, chính xác, sát với thực tế của ngành Nông nghiệp.

>>Kỳ 2: Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi tư duy

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số nông nghiệp Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO