Kinh tế

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thanh Nga-Đức Hùng 30/03/2024 14:40

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Đắk Nông đã đưa ra phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng.

ADQuảng cáo

Hiệu quả rõ rệt ở vùng xoài Đắk Gằn

Đắk Gằn trong ký ức của nhiều người vẫn là vùng đất, đá cằn cỗi. Thu nhập chính của người dân chủ yếu từ cây bắp, cây đậu thời vụ. Những loại cây trồng này, người dân cũng xem như canh bạc đỏ đen vì phụ thuộc vào thời tiết mưa nhiều hay hạn hán.

Cách đây khoảng 15 năm, cây xoài được 1 số người dân ở Đồng Nai mang đến vùng đất Đắk Gằn trồng. Từ đây, cây xoài cho thấy sự thích nghi với thổ nhưỡng và được người dân nơi đây chuyển đổi, đưa vào phát triển thành cây trồng chủ lực. Xoài mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

dsc01239(1).jpg
Cây xoài trên vùng sỏi đá ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil giúp nhiều người làm giàu

Năm 2012, anh Trần Trường Sa, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil bắt đầu trồng xoài trên diện tích đất mà gia đình anh đang trồng cây ngắn ngày.

Anh Sa cho biết, thấy người khác trồng, anh cũng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật rồi trồng theo. Từ diện tích nhỏ, anh mở rộng dần và xoài đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình.

Anh Sa có 2,2ha xoài Đài Loan xanh, xoài Úc, xoài 3 mùa. Tất cả đều đang cho thu hoạch. Vụ xoài mới nhất, anh trúng đậm vì được mùa, được giá. Anh có thu nhập gần 500 triệu đồng.

Nói về cây xoài, anh Sa chia sẻ: "Xoài là cây giúp gia đình tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay, có nhà, đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất và mua thêm được đất sản xuất. Từ 1,6ha đất khởi nghiệp ban đầu, nay gia đình tôi đã có hơn 3ha, kinh tế gia đình ngày càng ổn định".

Tương tự, chị Trần Thị Hà có 2,2ha xoài đang cho thu hoạch. Chị Hà trồng chủ yếu xoài xanh Đài Loan. Trước khi trồng xoài, nguồn thu nhập của chị Hà chủ yếu từ trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu, rau củ...

Chị Hà cho biết, xoài có vụ trúng đậm, vụ mất mùa, rớt giá, nhưng nhìn lại quá trình trồng xoài thì vẫn rất ổn định. Xoài mang lại thu nhập chính cho gia đình chị.

"Xoài giúp gia đình tôi có cơ ngơi khá giả như ngày hôm nay. Trước đây, cây ngắn ngày chỉ có thể trồng vào mùa mưa, nên thu nhập rất bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết", chị Hà chia sẻ.

Lãnh đạo UBND xã Đắk Gằn cho biết, trên địa bàn có khoảng 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp thì có hơn 1.550ha trồng xoài. Xoài là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.

dji_fly_20240326_090330_899_1711547142004_photo_optimized(1).jpg
Một vùng sản xuất xoài quy mô lớn ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông

Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, ngoài diện tích lớn, xoài cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Cây xoài cần ít nước tưới và người dân chỉ cần sử dụng giếng khoan là chủ động được nước tưới cho xoài. Chính vì thế, những năm qua, xoài rất ít khi bị thiệt hại bởi khô hạn.

Cũng nhờ cây xoài mà Đắk Gằn từ xã đặc biệt khó khăn nay trở thành xã phát triển khá. Đắk Gằn đã hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu. Huyện Đắk Mil đã xây dựng thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao ở xã Đắk Gằn, với 343ha xoài.

Linh hoạt trồng cây ngắn ngày tránh hạn

Krông Nô là huyện trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông. Nhưng đây cũng là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi khô hạn.

Trước thực tế đó, huyện Krông Nô đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cây ngắn ngày thiếu nước vào mùa khô sang các cây trồng sử dụng ít nước, thời gian sinh trưởng phát triển ngắn. Cụ thể, huyện hướng dẫn người dân chuyển đổi từ cây lúa nước sang trồng cây bắp, đậu đỗ, khoai lang và bí đỏ...

Trong những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô tranh thủ thời tiết nắng ấm để làm đất, xuống giống hơn 2ha bắp giống F1.

Theo chị Thu, trước thông tin dự báo mùa vụ tới khả năng diễn ra khô hạn trên diện rộng. Gia đình chị đã tranh thủ thu hoạch nhanh vụ bí thu đông để gieo trồng sớm vụ bắp đông xuân.

Chị Thu cho biết: "Tôi chọn cây bắp để gieo trồng cho vụ này. Vì trồng bắp vụ đông xuân nhu cầu nước ít hơn cây trồng khác, giá cả lại ổn định. Do đó, cây bắp sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

bap2(1).jpg
Người dân Krông Nô sản xuất bắp trên đất lúa để giảm thiểu rủi ro thiếu nước mùa khô hạn.

Những năm qua, Công ty CP Việt Nam mua sản phẩm bắp nguyên cùi tươi ở mức giá 13.500 đồng/kg. Với năng suất bình quân trên 10 tấn/ha, trừ tất cả các chi phí, gia đình chị Thu có lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng/ha.

Mỗi năm người dân nơi đây sản xuất được 2 vụ bắp và 1 vụ bí đỏ. Qua đó, giúp bà con nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Trần Quý Mạnh, ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô có 6 sào đất sản xuất. Hàng năm, vào vụ hè thu, khi nước trên cánh đồng dồi dào thì gia đình ông trồng lúa. Còn vụ đông xuân, do không đủ nước, ông chuyển sang trồng bắp, khoai lang.

Ông Mạnh cho biết, do thiếu nước tưới, gia đình tôi chủ động chuyển đổi sang trồng khoai lang. Trồng khoai lang nhu cầu nước ít, điều kiện bơm tưới cũng thuận lợi nên khoai phát triển tốt.

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Krông Nô hơn 53.458ha, trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm trên 62.000ha.

Những năm qua, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ năm 2022-2023, huyện Krông Nô thực hiện chuyển đổi 610ha cây trồng các loại.

Trong đó, chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác là 110ha; chuyển đổi 200ha đất trồng bắp sang trồng khoai lang, bí đỏ; 100ha trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày…

Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, việc chuyển đổi cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại bởi khô hạn trong mùa khô mà vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế.

Sự chủ động căn thời vụ và tính toán nguồn nước đang giúp người dân địa phương chủ động chăm sóc cây trồng mùa khô, tránh thiệt hại.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, người dân đã và đang chủ động áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, phát huy hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro khi canh tác trong mùa khô, nguy cơ thiếu nước cao như hiện nay.

Lộ trình chuyển đổi cây trồng

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, Đắk Nông đặt mục tiêu chuyển đổi trên 8.557ha với 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang trồng các cây trồng có tiềm năng, thích nghi với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Trong đó, đến năm 2025, tỉnh thực hiện chuyển đổi trên 2.860ha, đến năm 20230 chuyển đổi tiếp 5.696ha. Nguyên nhân phải chuyển đổi chủ yếu do những diện tích cây trồng này trồng ở những vùng thiếu nước vì hạn hán, mạch nước ngầm thấp, đất đai cằn cỗi, không đúng quy hoạch...

Diện tích canh tác cây cà phê dự kiến chuyển sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi là 5.973ha; trong đó giai đoạn 2025 là 1.808ha, đến năm 2030 là 4.165ha.

Chuyển đổi diện tích canh tác cây cà phê không thích nghi sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi như: mắc ca, hồ tiêu, điều, sầu riêng hoặc trồng xen với mắc ca, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mít.

Diện tích canh tác cây hồ tiêu dự kiến chuyển sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi là 950ha; trong đó giai đoạn 2025 là 285ha, đến năm 2030 là 665ha. Chuyển đổi diện tích canh tác cây hồ tiêu không thích nghi sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi như: ca cao, sầu riêng, mít.

Tháng 8/2023, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 549 về thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

img_0026(1).jpg
HTX Hoa Sen ở TP. Gia Nghĩa ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới trong nhà kính đem lại kinh tế cao

Diện tích canh tác cây cao su dự kiến chuyển sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi là 1.346ha; trong đó giai đoạn 2025 là 597ha, đến năm 2030 là 748ha.

Chuyển đổi diện tích canh tác cây cao su không thích nghi sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi như: cà phê, điều, cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, sầu riêng, bơ, mít.

Diện tích canh tác cây điều dự kiến chuyển sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi là 288ha; trong đó giai đoạn 2025 là 170ha, đến năm 2030 là 117ha.

Chuyển đổi diện tích canh tác cây điều không thích nghi sang cây trồng khác có tiềm năng thích nghi như: sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mục đích chuyển đổi cây trồng nhằm cụ thể hóa các nội dung, giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước, tình hình thực tế.

img_0101(1).jpg
HTX Sangs Farm của huyện Đắk Glong ứng dụng công nghệ tưới phun sương để tiết kiệm nước, công lao động và kỹ thuật chăm sóc hữu cơ cho 10ha bưởi

Hiện nay, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả.

Kinh phí thực hiện kế hoạch này từ nguồn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa. Trong đó, vốn Nhà nước lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn vốn cũng được vận dụng từ các chương trình, kế hoạch có liên quan như xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Thích ứng và thân thiện môi trường

Đắk Nông đã đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất. Tỉnh tập trung chuyển đổi cây trồng nhằm ứng biến với biến đổi khí hậu và sản xuất phải thân thiện với môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh: UBND tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao.

Tỉnh thực hiện quản lý, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp bảo đảm đúng kế hoạch, đúng mục đích sử dụng đất theo các quy định gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

11(1).jpg
HTX Bình Minh của huyện Cư Jút chú trọng tập huấn kiến thức cho nông dân các kiến thức sản xuất hồ tiêu bền vững

Đến nay, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để triển khai chuyển đổi cây trồng. Trong đó, Sở KH-CN tham mưu, đề xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học về phát triển giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Sở KH-CN triển khai ứng dụng có hiệu quả các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có liên quan để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, quy mô lớn, thân thiện môi trường.

ong-yen.jpg

Sở KH-ĐT xây dựng các cơ chế, chính sách và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đắk Nông đang tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản, chương trình nông thôn mới và tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng, kết nối thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng, đặc sản của tỉnh.

Tỉnh đang triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động tiêu thụ nông sản trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu.

img_0083(1).jpg
Từ năm 2018 đến nay, HTX Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song đã tập hợp nông dân trồng hồ tiêu hữu cơ

Cũng theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc chuyển đổi đất sản xuất lúa không bảo đảm điều kiện nước tưới, năng suất thấp sang các loại cây ngắn ngày để tránh thiệt hại về hạn hán cuối vụ và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất.

Qua đánh giá kết quả chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 3 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng/ha.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, để ứng phó với diễn biến bất thường, khô hạn của thời tiết, trong 6 năm qua (2018 – 2023), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO