Chuyển biến từ Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông

CHẤN HƯNG| 11/12/2024 19:21

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh nên nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về Chương trình xây dựng nông thôn mới (Chương trình) tại Đắk Nông ngày được nâng cao.

Một góc thành phố Gia Nghĩa nhìn từ trên cao - Đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.Một góc thành phố Gia Nghĩa nhìn từ trên cao - Đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực tham mưu, ban hành cơ bản đầy đủ khung văn bản pháp lý để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Chương trình nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 tiếp tục có tác động mạnh mẽ tới cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng nhân dân trong việc tham gia đóng góp thực hiện Chương trình. Người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công, hiến đất đai, hoa màu,…quy đổi thành tiền được hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

Từ đó, góp phần làm cho bộ mặt vùng nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc, đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa ngày càng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn; chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững chắc, an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững; thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Theo báo cáo điều tra xã hội học đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 12- NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông thì có 66,9% số người dân được hỏi cho biết đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn.

Qua đó, có thể đánh giá việc triển thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã có tác động rất lớn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và giai đoạn 2021- 2025 của địa phương theo kế hoạch đã đề ra; từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; từng bước góp phần đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên.

Kết quả đạt được theo các Bộ tiêu chí nông thôn mới của giai đoạn 2021-2025 ngày càng tăng; tính đến nay toàn tỉnh Đắk Nông đã có 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: công tác triển khai, quán triệt về Chương trình ở một số nơi, một số địa phương đôi lúc thực hiện chưa kịp thời, thường xuyên, mới chỉ dừng lại ở những vấn đề chung, thiếu chiều sâu, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ mục tiêu, bản chất, nội dung của Chương trình. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi khi còn chồng chéo, một số ngành chưa thực sự dành nhiều thời gian, quan tâm đến việc thực hiện Chương trình.

Công tác tuyên truyền, vận động tuy đã được quan tâm triển khai thực hiện nhưng chưa liên tục, sâu rộng. Vì thế, nhận thức và sự vào cuộc, đóng góp của người dân trên địa bàn một số xã cho Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa nhiều, một số nơi người dân chưa phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác tham mưu xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã còn bất cập và chủ yếu là làm kiêm nhiệm; trình độ năng lực cán bộ ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới… Từ đó dẫn tới công tác tham mưu thực hiện Chương trình ở một số địa phương chưa cao, thiếu chiều sâu.

Công tác kiểm tra, giám sát tuy đã được triển khai, nhưng chủ yếu là do cơ quan chủ trì Chương trình tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá chung; một số sở, ngành được giao phụ trách các nội dung, các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới chưa thật sự quan tâm, đẩy mạnh việc kiểm tra, thanh tra, giám sát các nội dung do đơn vị phụ trách. Vì vậy, đôi lúc chưa kịp thời tham mưu, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình.

Chất lượng đạt chuẩn nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thật sự bền vững; công tác duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở một số xã sau khi đạt chuẩn còn hạn chế. Đa số xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ ở mức tối thiểu so với quy định của Bộ tiêu chí.

Các xã chưa đạt chuẩn còn lại là những xã còn gặp nhiều khó khăn và đang được sự quan tâm, ưu tiên các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù; tại một số xã, một số hộ gia đình đang có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa chủ động, phấn đấu vươn lên, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện Chương trình nên kết quả đạt được ở những nơi này có sự chuyển biến chậm và có sự chênh lệch ngày càng lớn đối với các địa phương khác.

Mục tiêu Chương trình phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, số tiêu chí xã nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã trở lên. Đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, địa phương tiếp tục nghiên cứu ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp lý phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới; trong đó chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo các nội dung cụ thể, chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.

Huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, các dự án đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu ban hành các chính sách, quy chế phù hợp để huy động được sự vào cuộc, đóng góp tích cực hơn nữa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế,… nhất là từ cộng đồng dân cư trong việc triển khai các nội dung của Chương trình.

Tập trung đầu tư cơ bản hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn, bảo đảm đồng bộ, từng bước hiện đại, liên kết giữa các vùng, khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để bảo đảm duy trì ổn định đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hơn nữa thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình về phát triển du lịch theo hướng du lịch trải nghiệm nông thôn mới gắn với tham quan các danh lam, thắng cảnh, các lễ hội văn hóa của địa phương. Tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, có chất lượng Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các Bộ tiêu chí nông thôn mới: Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí vườn mẫu - rẫy mẫu; Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới và Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới…

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chuyen-bien-tu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-tai-dak-nong-post849867.html
Copy Link
https://nhandan.vn/chuyen-bien-tu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-tai-dak-nong-post849867.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chuyển biến từ Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO