Chuyển biến tích cực từ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Hoàng Hoài| 22/12/2021 08:51

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, năm 2021, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn, nhất là tại cấp xã, phường, thị trấn và trong các doanh nghiệp.

Phát huy vai trò của người dân

UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện khá đầy đủ 11 nội dung của Quy chế dân chủ cơ sở để công khai cho người dân biết bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở, thông báo trực tiếp qua các cuộc họp dân, lồng ghép trong các sinh hoạt đoàn thể. Các nội dung được quan tâm như chính sách, pháp luật của Nhà nước, thủ tục hành chính, các khoản đóng góp, phí, lệ phí, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, kế hoạch vốn vay sản xuất, giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Tỷ lệ người dân nắm những việc mà chính quyền cấp xã, thôn thông báo công khai đạt trên 90%. Điển hình như TP. Gia Nghĩa, 100% thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại các trụ sở làm việc, cổng thông tin điện tử; cắt giảm ít nhất 20% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực; giảm thiểu thời gian đi lại nhiều lần; 85% tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nắm rõ bộ thủ tục hành chính; 90% hồ sơ được giải quyết và trả kết quả đúng hạn.

Huyện Đắk Mil thì 10/10 xã, thị trấn thực hiện cải cách hành chính một cửa, một cửa liên thông. Hiện nay, 125/125 thôn, bon xây dựng được hương ước, quy ước và đăng ký thôn văn hóa…

Con đường nông thôn mới ở thôn 3, xã Hưng Bình (Đắk R'lấp) được làm nên từ việc phát huy vai trò người dân trong bàn bạc, quyết định, giám sát

Việc tổ chức cho người dân tham gia bàn bạc, biểu quyết trước khi cấp có thẩm quyền quyết định từng bước được thực hiện. Người dân đã phát huy quyền làm chủ tham gia ý kiến vào các nội dung như dự thảo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, quản lý đất đai, các dự án, chương trình, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, hương ước, quy ước thôn, bon, bầu ban thanh tra nhân dân…

Các xã, phường, thị trấn còn xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức họp dân để thảo luận, bàn bạc công khai các nội dung như chủ trương, mức đóng góp huy động làm đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi xã hội, từ thiện, nhân đạo… với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Như trong xây dựng công trình công cộng, TP. Gia Nghĩa đã có 45 hộ tham gia hiến 6.350 m2 đất để xây dựng mới 3 km đường giao thông.

Chính quyền các xã, phường, thị trấn cũng kịp thời thông báo các văn bản, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan để người dân biết, tiện cho việc giao dịch dân sự, giám sát các khoản đóng góp, nghiệm thu, quyết toán công trình...

Bảo đảm quyền, lợi ích cho người lao động

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rà soát, tham mưu cấp ủy kiện toàn bổ sung thành viên ban chỉ đạo bảo đảm đúng quy định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, bổ sung quy chế hoạt động, quy định về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp… Quy chế được xây dựng cụ thể, hợp lý, là cơ sở để cấp ủy đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp. Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp lớn đều công khai phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và phổ biến, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Tùy theo từng loại hình, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, đại hội cổ đông, đại hội đồng thành viên để báo cáo kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tài chính, chi tiêu nội bộ...theo 8 nội dung quy định người sử dụng lao động phải công khai.

Năm 2021, toàn tỉnh có 61/94 doanh nghiệp phối hợp tổ chức hội nghị người lao động; 60/94 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng, ban hành các quy chế về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; 557/742 công đoàn cơ sở thành lập, kiện toàn ban thanh tra nhân dân; 51/94 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể…

Các doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung, ký mới thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đa số nội dung của bản thỏa ước lao động tập thể ngắn gọn, tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ khác dành cho lao động nữ, tăng ca…

Ban chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng quy chế phối hợp với ban giám đốc doanh nghiệp nhằm động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thành lập hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh lao động…

Việc sửa đổi, bổ sung quy chế đối thoại định kỳ, đột xuất được thực hiện theo quy định lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn cơ sở phải trực tiếp trả lời chất vấn, giải đáp kiến nghị của đoàn viên, người lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến tích cực từ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO