Chuyển biến mạnh mẽ từ 3 khâu đột phá ở Ðắk Mil

Bình Minh| 01/02/2023 14:38

Nghị quyết Ðảng bộ huyện Ðắk Mil nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 khâu đột phá: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu và tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản của huyện; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, phấn đấu trở thành trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, trọng tâm là hạ tầng đô thị và thủy lợi. Những kết quả từ 3 khâu đột phá của Ðắk Mil đạt được trong năm 2022 đã tạo xung lực lớn cho sự phát triển của

Phát triển đồng bộ về hạ tầng đô thị

Năm 2022, UBND huyện Đắk Mil đã linh hoạt, sáng tạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, Vì thế, kinh tế-xã hội của Đắk Mil trong năm 2022, trong đó có lĩnh vực phát triển hạ tầng đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.

Kết quả nổi bật là công tác lập quy hoạch chung đô thị Đắk Mil đến năm 2035 cơ bản đã hoàn thành. Trong năm 2022, huyện Đắk Mil đã cấp được 250 giấy phép xây dựng nhà ở và các công trình khác cho các hộ gia đình trên địa bàn quy hoạch đô thị Đắk Mil (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021). Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư xây dựng, những công trình giao thông trọng điểm của huyện, các tuyến đường đô thị, các trục đường nội tổ dân phố, các trục đường xã, thôn, bon,…được đầu tư, nâng cấp sửa chữa, cùng với việc thực hiện chương trình nông thôn mới đã góp phần nâng cao tỷ lệ nhựa hoá đường huyện, đường xã và đường thôn, bon. Năm 2022, tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hóa đường huyện phát triển đạt 75%, đường xã đạt 95%, đường đô thị đạt 86%. Toàn huyện đã bảo đảm nguồn nước cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch 81%. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch 96,8%.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và toàn diện, bước đầu ưu tiên hạ tầng giao thông để làm động lực, đi trước tạo thúc đẩy phát triển toàn diện, mở mới các tuyến đường; mở mới các công trình chiếu sáng đô thị, phấn đấu đạt 87% đô thị được chiếu sáng; mở rộng phạm vi đầu tư hạ tầng giao thông các khu vực dự kiến thành lập phường; hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đến năm 2035.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, đề án tập trung phát triển mô hình điểm đô thị thông minh tại hai địa phương là TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil; đến năm 2030 triển khai rộng tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Các hạng mục chính của Đề án phát triển đô thị thông minh tại Đắk Mil gồm: quy hoạch thông minh; phát triển hạ tầng ICT cho đô thị thông minh; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển, cung cấp các dịch vụ, tiện ích; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây sẽ là động lực mới cho đô thị Đắk Mil thêm phát triển.

Thương mại, dịch vụ đạt kết quả ấn tượng

Năm 2022, tổng giá trị gia tăng ngành thương mại và dịch vụ (theo giá cố định năm 2010) của huyện Đắk Mil đạt 2.135 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Trong năm, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đăng ký, tham gia các hội chợ, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến cà phê, gỗ. Đắk Mil khuyến khích các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Huyện Đắk Mil mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp về đầu tư các trung tâm thương mại, các siêu thị, dịch vụ y tế, giáo dục, tài chính…và mở các tổng đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Đắk Mil đã xây dựng một số thương hiệu sản phẩm, có lợi thế của huyện theo tiêu chuẩn quốc gia; chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; từng bước phát triển thương mại theo hướng bền vững. Đắk Mil thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính về thuế, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023. Trung tâm có tổng vốn đầu tư gần 645 tỷ đồng, quy mô hơn 7.500 m2 tại trung tâm thị trấn Đắk Mil. Dự án gồm nhiều khu chức năng như: Trung tâm thương mại, gian hàng mua sắm, khu tổ chức sự kiện...

Tinh thần chiến thắng Đức Lập được Đảng bộ, chính quyền Nhân dân huyện Đắk Mil phát huy xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, khang trang (ảnh: Phan Tân)

Và nâng tầm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Huyện ủy Đắk Mil đề ra các mục tiêu cụ thể đối với ngành Nông nghiệp từ nay đến năm 2025. Trước hết, huyện lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực tập trung xây dựng để được công nhận 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 5 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn huyện đã cơ bản hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, với sản phẩm chủ lực. Cụ thể, vùng sản xuất cà phê Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk. Vùng sản xuất cây ăn trái Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk N’Drót, Đức Mạnh. Vùng chăn nuôi Đắk Gằn, Đắk N’Drót, Đắk R’la, Đắk Sắk và Long Sơn. Trong năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Thuận An, huyện Đắk Mil, quy mô 335ha, với 1 tổ chức (Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An) và 186 hộ nông dân tham gia. Huyện Đắk Mil hiện có khoảng 20 ha cà phê sản xuất theo hướng đặc sản, với sản lượng 28 tấn/vụ. Giai đoạn 2022 - 2025, huyện mở rộng quy mô cà phê đặc sản lên 150 ha, sản lượng 300 tấn/vụ. Đến năm 2030, quy mô sản xuất cà phê đặc sản của huyện khoảng 300 ha, sản lượng 550 tấn/vụ. Chiến lược của huyện là nâng chất lượng sản phẩm cà phê Đắk Mil lên tầm quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Huyện đẩy mạnh cải tạo diện tích cà phê theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, huyện tập trung đưa các giống cà phê mới có chất lượng tốt để bà con tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng.

Huyện Đắk Mil hiện nay đang Ðắk Mil xúc tiến cấp mã vùng trồng sầu riêng và mã vùng trồng xoài Đắk Gằn (Đắk Mil). Huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, lập hồ sơ mã vùng trồng, từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.

Huyện hỗ trợ các chủ thể sản xuất cà phê đặc sản xây dựng hạ tầng cơ sở, đánh giá chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc sản xuất cà phê đặc sản sẽ được huyện tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, ổn định và bền vững. Những kết quả đạt được trong ba khâu đột phá năm 2022 sẽ tạo đà phát triển lớn cho năm 2023, năm bản lề có tính chất quyết định về thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Đắk Mil, nhất là hoàn thành được mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã trước năm 2025.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chuyển biến mạnh mẽ từ 3 khâu đột phá ở Ðắk Mil
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO