Chương trình xóa nhà tạm gặp khó vì khan hiếm cát
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành một số chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang cản trở tiến độ đề ra.
Vừa qua, gia đình chị H’Del Knul, thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút được hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà tạm. Cùng với số tiền hỗ trợ, chị H’Del đối ứng thêm khoảng 40 triệu đồng để xây dựng một căn nhà cấp 4 có diện tích hơn 40 m2.
.jpg)
Cuối tháng 4/2025, căn nhà được khởi công. Tuy nhiên, do cát xây dựng khan hiếm, giá tăng theo từng ngày nên gần cuối tháng 5, căn nhà của chị H’Del vẫn chưa hoàn thiện. Nóng lòng khi căn nhà dang dở, những ngày qua, chị H'Del phải đi vay mượn thêm họ hàng những mong có thể mua đủ cát làm nhà.
Chị H'Del lo lắng: “Nhiều năm qua, vợ chồng tôi phải sống trong căn nhà gỗ xuống cấp nên khi được hỗ trợ làm nhà mới, chúng tôi rất phấn khởi. Sau khi có kinh phí, gia đình đã khởi công và cam kết đến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành. Thế nhưng do cát khan hiếm, giá cát quá cao nên hiện nay gia đình mới lợp mái, chúng tôi hi vọng giá cát sẽ giảm trong thời gian tới để hoàn thiện nhà”.
Tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang xảy ra tại nhiều nơi, thậm chí ngay tại các địa phương có mỏ cát cũng thiếu cát. Nhiều hộ dân thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đang phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công để chờ vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết, những năm trước, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị khai thác cát. Nhờ đó, nhiều hộ dân được ở trong những mái nhà khang trang, rộng rãi. Từ đầu tháng 5 tới nay, tình trạng khan hiếm cát xây dựng ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng nhà cho người dân.
Theo lãnh đạo xã Đức Xuyên, địa phương đang triển khai xây dựng 6 căn nhà cho các hộ dân gặp khó khăn về nhà ở. Trung bình mỗi căn nhà có diện tích 35 - 40m2 cần khoảng 20m3 cát. Trong khi kinh phí được hỗ trợ là 60 triệu đồng/căn thì giá cát khoảng 800.000 đồng/m3- 1 triệu đồng/m3 sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng.
“Mỗi căn nhà tốn khoảng 20 triệu đồng tiền cát nên số tiền còn lại rất khó xây nhà. Địa phương đang tích cực vận động các doanh nghiệp cát tạo điều kiện hỗ trợ, tuy nhiên, nhiều tuần nay họ không khai thác nên cát rất khan hiếm”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên nói.

Năm 2025, tỉnh Đắk Nông dự kiến xây mới, sửa chữa hơn 1.700 căn nhà. Trong đó, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa 540 căn. Đầu tháng 5, Bộ Công an hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng để tỉnh xóa 500 căn nhà tạm trên địa bàn.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 3 tới nay, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tầng lớp Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã góp sức, góp của để hoàn thiện hàng trăm căn nhà. Từ kết quả này, tỉnh Đắk Nông phấn đấu “về đích” xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025.
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm cát xây dựng hoặc giá cát tăng cao đang ảnh hưởng tới công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương. Theo một lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, nếu không có nguồn cung ổn định và giảm giá cát thì sẽ khó bảo đảm tiến độ chung của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Đắk Nông.