Nông nghiệp - Nông thôn

Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn Đắk Nông

Y Krăk - A Trư 16/11/2023 06:05

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã góp phần gia tăng giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế nông thôn bứt phá.

Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh địa phương

Sau 5 năm thực hiện, Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 7 sản phẩm đạt 4 sao; 53 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện nay, có 2 sản phẩm đang được Sở NN- PTNT và chủ thể hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan thẩm quyền xem xét đánh giá hạng 5 sao.

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu để tăng giá trị sản phẩm. Điển hình như: vùng trồng cam sành, quýt đường, bơ, gạo ở huyện Krông Nô; vùng trồng cây mắc ca, dược liệu Tuy Đức; ca cao, cà phê ở Đắk Mil, Đắk Song…

Theo ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil), Chương trình OCOP đã giúp HTX giải quyết vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam đạt OCOP đã mở ra hướng phát triển mới và giá trị sản phẩm được nâng cao. Theo đó, ngoài các thành viên chính thức, HTX còn có thêm nhiều thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 480 ha cà phê, cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê bột Đắk Đam, góp phần phát triển nông nghiệp địa phương bền vững.

Tương tự, HTX Nông nghiệp, dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) đã hình thành vùng nguyên liệu 140 ha mắc ca. HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca. Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, đóng gói bán ra thị trường. Giá trị sản phẩm mắc ca sau chế biến của HTX đã tăng từ 30% - 35%. Hiện tại, HTX đang hoàn thiện hồ sơ để được ngành chức năng công nhận sản phẩm OCOP.

231436112954img-4880.jpg
Năm 2021, sản phẩm xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) đã được UBND tỉnh Đắk Nông chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao

Còn tại huyện Cư Jút, nhiều doanh nghiệp, HTX ở đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng. Điển hình như: Khô bò Đức Tâm; hạt điều rang muối Hà Vân; cà phê bột FOT 48; chuối sấy dẻo của cơ sở sản xuất Mộc Nguyên; mật ong hoa cà phê của HTX ong mật xã Đắk D’rông. Đến nay, huyện Cư Jút đã có 9 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao.

Sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định.

img-4446.jpg
Nhiều doanh nghiệp, HTX hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao

Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm OCOP đang hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao như: Cà phê, mắc ca, hạt điều… Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu tăng hàng năm từ 20- 35%.

Phát triển bền vững kinh tế nông thôn

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 653 để triển khai thực hiện thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Trung ương. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt hơn 90 sản phẩm; trong đó ít nhất 10% sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.

img_2987-1-.jpg
Chương trình OCOP được triển khai đã thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn Đắk Nông

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia. Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.

Bên cạnh đó, thực hiện phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, Chương trình OCOP đã tạo sự bứt phá trong lĩnh vực “tam nông”. Đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. OCOP cũng đã tạo động lực để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, với việc hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, HTX sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng thương hiệu…

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Đắk Nông sẽ thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, nhất là sản phẩm đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, gắn với phát triển bền vững kinh tế nông thôn.

Thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Chương trình OCOP đã và sẽ góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM; hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO