Chính trị

Chương trình “Mẹ đỡ đầu" ở Đắk Nông - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Tuệ An 09/09/2024 05:26

Hưởng ứng phát động của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã triển khai có hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu” bằng việc hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thiết thực phong trào ở Công an tỉnh

Từ đầu năm 2022, Ban Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông ra mắt, đưa chương trình “Mẹ đỡ đầu” đi vào hoạt động. Chương trình được phát động sâu rộng đến các cấp hội phụ nữ trong toàn lực lượng Công an tỉnh. Đến nay, 41 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đỡ đầu, hỗ trợ nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi, với mức 500.000 đồng/em/tháng. Các em còn được hỗ trợ thêm các sản phẩm dinh dưỡng, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày, học phí, đồ dùng, thiết bị học tập... Tổng trị giá hỗ trợ cho các em trong 2 năm qua hơn 600 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban Phụ nữ Công an tỉnh còn huy động các nguồn lực để xây dựng và đưa vào sử dụng 4 “Ngôi nhà hạnh phúc”, trị giá 120 triệu đồng/căn nhà, giúp những đứa con đỡ đầu thực sự có được mái ấm bình yên đúng nghĩa. Mới đây nhất, ngày 4/9/2024, Ban Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp khánh thành “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 con đỡ đầu là anh em ruột mồ côi cha là Y Mạnh (SN 2011) và Y Bảy (SN 2016), bon Đắk Mâm, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil.

Mẹ đỡ đầu 1
Ngày 4/9/2024, Ban Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức lễ khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 anh em ruột mồ côi cha ở bon Đắk Mâm, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil

Theo bà Võ Thị Hiền Hòa, Trưởng Ban Phụ nữ Công an tỉnh, đơn vị đã xác định thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" là thể hiện rõ nét nhất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang phát huy hiệu quả, lan tỏa được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng, nghĩa cử cao đẹp, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân.

Cũng theo bà Hòa, để có thể giúp đỡ được đúng đối tượng, Ban Phụ nữ Công an tỉnh đã phối hợp với các cấp hội, công an các xã, phường, thị trấn khảo sát các trường hợp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp đỡ đầu. Việc nhận đỡ đầu trẻ em được thực hiện công khai, có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của gia đình, họ hàng và người dân trên địa bàn.

Mẹ đỡ đầu 5
Ban Phụ nữ Công an tỉnh đã phối hợp đỡ đầu, hỗ trợ nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi 41 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Nhằm nhân rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực của các cấp hội phụ nữ, công tác tuyên truyền về chương trình được đẩy mạnh với hàng trăm tin, bài, phóng sự về các hoạt động của "Mẹ đỡ đầu". Các cấp hội, hội viên chia sẻ, lan tỏa ý nghĩa của chương trình “Mẹ đỡ đầu” trên các trang, nhóm mạng xã hội.

Ban Phụ nữ Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các nhà trường, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các gia đình; tư vấn sức khỏe, tâm lý, chế độ, chính sách liên quan đến trẻ; tuyên truyền pháp luật, bảo đảm an toàn cho trẻ mồ côi, gia đình và cộng đồng.

Tạo lan tỏa sâu rộng

Theo bà Vi Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk R’lấp, đến nay, các cấp hội trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã vận động hội viên, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 22 trẻ mồ côi với số tiền hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/em/tháng, thời gian thực hiện từ 3-5 năm. Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Các cấp hội còn chia sẻ trên facebook, zalo về các điển hình tập thể, cá nhân, các cách làm hay hiệu quả và giới thiệu hoàn cảnh của các em mồ côi để các các nhà hảo tâm nhận giúp đỡ...

Mẹ đỡ đầu 14
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thể hiện rõ nét nhất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Phụ nữ Công an tỉnh

Còn theo bà Lê Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN Krông Nô, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hiện nay trên địa bàn huyện Krông Nô đã có 64/127 trẻ em mồ côi được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu. Chương trình đã lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, với mong muốn đóng góp, giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ có thêm niềm tin trong cuộc sống.

Theo Hội LHPN tỉnh Đắk Nông, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã trở thành hoạt động xã hội vì tính nhân văn cao cả, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động đỡ đầu được thực hiện theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các hỗ trợ bảo đảm sát hợp với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 217/1.059 trẻ mồ côi được hội viên, tổ chức hội đỡ đầu và kết nối nhận đỡ đầu, với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng. Chương trình góp phần đồng hành, chung tay của phụ nữ trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, không một ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch Hội LHPN Đắk Nông khẳng định, bằng việc triển khai hiệu quả, sáng tạo chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội đã cụ thể hóa đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nhiều hoạt động nhân văn nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường. Các cấp hội phụ nữ đã chủ động, linh hoạt thực hiện các hoạt động kết nối, huy động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng sự quyên góp tự nguyện của cán bộ, hội viên để tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ con đỡ đầu. Qua thực hiện chương trình, cái được lớn nhất là các trẻ em cảm nhận được tình yêu thương, chăm sóc và trách nhiệm của mẹ đỡ đầu, được thụ hưởng các chính sách phúc lợi để dần có cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chương trình “Mẹ đỡ đầu" ở Đắk Nông - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO