Y tế - Sức khỏe

Chương trình 1719 nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

PV 28/11/2024 14:40

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 đã góp phần nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số (DTTS); phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719), toàn tỉnh nói chung và ngành Y tế nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) đồng bào các DTTS.

Đắk Glong là địa phương được phân bổ nguồn vốn thực hiện Dự án 7 nhiều nhất tỉnh với số tiền gần 2 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Dự án 7, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong đã kịp thời xây dựng các kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các các phòng chức năng, trạm y tế các xã để thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tại buổi tuyên truyền vận động, truyền thông trong chỉ tiêu thay đổi hành vi về CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em thuộc Dự án 7 do Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong tổ chức tại xã Đắk R’măng vào đầu tháng 11 vừa qua, hàng trăm chị em người đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng rất phấn khởi khi được đội ngũ y, bác sĩ tư vấn CSSK sinh sản.

z5550755553584_f466f5aa4fcafbb0cce576db571acbb7(1).jpg
Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong hướng dẫn phụ nữ xã Đắk R’măng nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ

Được chồng chở lên khá sớm để được tư vấn, hỗ trợ thăm khám, chị Vàng Thị Sóng, dân tộc Mông (SN 2004) nhà ở thôn 6, xã Đắk R’măng cho hay, mặc dù đây là lần thứ 2 mang thai nhưng chị vẫn chưa biết cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho thai nhi cũng như đối với bản thân. Khi tham gia buổi tuyên truyền này, chị và chồng như được “mở cờ”, biết thêm nhiều kiến thức về CSSK sinh sản, biết từng giai đoạn phát triển của thai nhi.

Tương tự, chị Ma Thị Siêu, dân tộc Tày (SN 2005) ở xã Đắk R’măng cũng tỏ ra vui mừng khi tham gia buổi tuyên truyền vận động, truyền thông trong chỉ tiêu thay đổi hành vi về CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Tại đây, chị đã biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai; 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh; 3 dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Điều này chị giúp chị và chồng thêm nhận thức, cách phòng ngừa những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và con mình.

“Đây là đứa con đầu tiên của em, do vậy kinh nghiệm, cách chăm sóc thai nhi và sức khỏe bản thân em chưa biết được nhiều. Được các y, bác sỹ tư vấn, thăm khám, chỉ cách nhận biết các biểu hiện nguy hiểm ở bà mẹ mang thai thật sự đã giúp em mở mang nhiều. Bên cạnh đó, y tá trạm y tế xã còn cho em uống một số loại thuốc giúp phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Em thật sự cảm ơn các y, bác sĩ, cảm ơn chương trình rất nhiều”, chị Siêu bộc bạch.

Trạm Y tế xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng là đơn vị thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế huyện để triển khai các đợt tuyên truyền vận động, truyền thông trong chỉ tiêu thay đổi hành vi về CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; hưởng ứng và tổ chức các tuần lễ làm mẹ an toàn; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ dưới 2 tuổi. Ông Lê Văn Đại, Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn khẳng định, các chương trình thuộc Dự án 7 đã hỗ trợ rất nhiều cho đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động CSSK sinh sản cho phụ nữ trong xã; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

z5660340787013_4fe3d7b1600af6c46794a034c16f7f05-1-(1).jpg
Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong tổ chức buổi “Nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trong cộng đồng” tại xã Quảng Hòa

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của Dự án 7 còn hỗ trợ phụ cấp cho 100% cô đỡ thôn, bản thuộc xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được đào tạo và đang trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng, mà chưa được hưởng mức phụ cấp nhân viên y tế thôn bản theo Quyết định 75/2019/ QĐ-TTg ngày 11/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã tạo động lực và tinh thần làm việc rất nhiều cho đội ngũ y tế thôn, bon.

Dự án 7, Chương trình 1719 được triển khai tại địa phương rất thiết thực góp phần nâng cao thể chất, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng DTTS. Với việc tiếp cận từ Dự án 7, chất lượng sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được bảo đảm, nâng cao. Trẻ em được cung cấp nhiều hơn chất dinh dưỡng cần thiết, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Ông Vũ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế Đắk Glong

Trợ lực cho ngành Y tế

Dự án 7 là một trong 10 dự án của Chương trình 1719 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, phát triển kinh tế và sức khỏe, thể trạng của đồng bào và người dân trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

z6095349640604_5fbbafb4074d104b04e93e1860494b49(1).jpg
Phụ nữ có thai ở xã Đắk Som (Đắk Glong) được khám, tiêm phòng, uống Vitamin định kỳ tại trạm y tế xã

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các chương trình mục tiêu y tế-dân số như phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống các dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ viện phí cho đồng bào khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công, kiểm soát dịch bệnh, giúp đồng bào yên tâm, ổn định cuộc sống.

Giai đoạn 2021-2024, nguồn vốn Dự án 7 được phân bổ cho Đắk Nông là 17,001 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 7,714 tỷ đồng; vốn địa phương 9,287 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2024, dự án đã giải ngân được 8,025 tỷ đồng, đạt 47,2%.

Nguồn: Báo cáo số 715/BC-UBND ngày 5/11/2024 của UBND tỉnh Đắk Nông

Dự kiến đến hết năm 2024, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT đạt 80%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) đạt 60,7%; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt 97%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 16,5%. Toàn tỉnh có 5 mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ em. 100% y tế thôn, cộng tác viên dinh dưỡng, cô đỡ thôn bản được tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời…

Năm 2025, Đắk Nông quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu và giải ngân đủ nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Dự án 7 cũng như các dự án khác của Chương trình 1719. Giai đoạn 2026-2030, trong thực hiện Dự án 7, tỉnh tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 20,2%...

tre-em-dong-bao-dtts-tren-dia-ban-tinh-duoc-chu-trong-cham-soc-suc-khoe-(1).jpg
Trẻ em đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được thăm khám sức khỏe đầy đủ

Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông đánh giá, Dự án 7 của Chương trình 1719 thật sự là một trợ thủ đắc lực cho ngành Y tế trong thời gian gian qua. Với việc triển khai thực hiện dự án, phụ nữ thời kỳ mang thai vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn được chăm sóc sức khỏe kịp thời; giảm thiểu nguy cơ tử vong và các hệ lụy xấu đến thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm (Năm 2022: 18,7%; năm 2023: 17,1%; năm 2024: 16,5%). Đội ngũ y tế cơ sở, nhất là thôn, bon, buôn, bản ngày càng được quan tâm đến chế độ hoạt động…

Tuy nhiên, theo Sở Y tế và Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, việc triển khai Dự án 7 vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các dự án còn mới, do đó nhiều đơn vị vừa làm vừa nghiên cứu nên còn khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng nội dung kế hoạch, dự toán kinh phí triển khai các hoạt động.

Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chuyên môn của chương trình cũng như các văn bản quy định hướng dẫn mức chi chưa cụ thể, chi tiết, chưa đầy đủ. Một số nội dung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương chưa cụ thể, rõ ràng, nhất quán hoặc chưa hợp lý, gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Nguồn kinh phí được cấp muộn nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đúng tiến độ. Chứng từ thanh quyết toán chưa được thống nhất như chứng từ thanh toán khám trẻ dưới 2 tuổi, chăm sóc sau sinh.

Đến nay Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719 vẫn chưa được ban hành, do vậy trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn vướng mắc, có dự án thành phần của chương trình chưa có quy định cụ thể về đối tượng, định mức, đối tượng thụ hưởng để triển khai thực hiện…

Chị em trong độ tuổi sinh đẻ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được chú trọng chăm sóc sức khỏe
Phụ nữ trong thời kỳ nuôi con nhỏ xã Tân Thành (Krông Nô) được nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời

Trong thời gian tiếp theo, cùng với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Chương trình 1719 nói chung, Dự án 7 nói riêng, Ban Dân tộc và ngành Y tế Đắk Nông tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng để người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai và người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ nâng cao được nhận thức về CSSK, chăm sóc thai kỳ, dinh dưỡng hợp lý… Ngành Y tế can thiệp sớm đối tượng trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cấp sản phẩm dinh dưỡng) để đạt được chỉ tiêu về tỷ lệ thấp còi theo đúng lộ trình.

Các đơn vị phối hợp triển khai các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra trên địa bàn trong năm 2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Trong đó, đẩy mạnh công tác phối hợp, giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các đơn vị và địa phương thực hiện.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chương trình 1719 nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO