Chương trình 1719 hỗ trợ giáo dục Đắk Nông phát triển
Nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành Giáo dục Đắk Nông.
Đầu tư hạ tầng giáo dục
Được xây dựng cách đây hơn 20 năm, điểm Trường tiểu học A Ma Trang Lơng, bon Bu Prăng 2A, xã biên giới Quảng Trực (Tuy Đức) gồm 8 phòng học cấp 4 bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm học 2024-2025, từ nguồn vốn Dự án 5 Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Chương trình 1719, trường được đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng 8 phòng học (2 tầng) và 3 phòng bộ môn.
Hiện tại, điểm trường đã được xây dựng khoảng 70% khối lượng công việc, đang được hoàn thiện phần nội thất, sẽ đưa vào sử dụng trong học kỳ II.
Ông Trần Quý Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Ma Trang Lơng cho biết, nhà trường hiện có 929 học sinh, trong đó gần 36% là con em đồng bào DTTS tại chỗ. Riêng điểm trường tại bon Bu Prăng 2A, xã Quảng Trực có 288 học sinh khối lớp 1 và lớp 2. Số phòng học được xây dựng mới này, nhà trường sẽ bố trí 5 lớp 1 và 3 lớp 2; khoảng 500 học sinh các khối 3, 4 và 5 học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Tiếng Anh tại đây.
Với việc được đầu tư xây dựng các phòng học mới này, giáo viên nhà trường, phụ huynh học sinh rất phấn khởi và yên tâm khi các em được học dưới mái trường khang trang, sạch đẹp và an toàn.
“Hiện tại, Trường tiểu học A Ma Trang Lơng còn thiếu khoảng 5 phòng học nữa là đáp ứng đủ nhu cầu dạy, học. Hy vọng trong thời gian tiếp theo, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhất là nguồn vốn từ Chương trình 1719, các ngành, các cấp sẽ bổ sung đầu tư đầy đủ số phòng học cho trường đầy đủ”, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Ma Trang Lơng bày tỏ.
Tại xã biên giới Quảng Trực, Chương trình 1719 đã thực hiện một số tiểu dự án thuộc dự án 5 như xóa mù chữ, đào tạo nghề. Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, tại địa phương, ngoài Trường tiểu học A Ma Trang Lơng còn có các hạng mục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các trường học.
Điển hình như Trường THCS Bu Prăng cũng được đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng mới 6 phòng học (2 tầng), nhà vệ sinh 836 triệu đồng.
Theo Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức, tính đến hết tháng 9/2024, Dự án 5 đã thực hiện giải ngân 489 triệu đồng, đạt 36,2% kế hoạch. Riêng việc xóa mù chữ, huyện đã tổ chức được 20 lớp với 513 học viên. Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi đã giải ngân được 364 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Số mô hình đào tạo nghề được triển khai mô hình 4 với lượt người 127.
Nguồn vốn này do phòng làm chủ đầu tư. Còn số vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường học được phân bổ cho Ban quản lý dự án của UBND huyện và các xã; các ngành chức năng của tỉnh và huyện trực tiếp làm chủ đầu tư.
Tại huyện nghèo Đắk Glong, dự án 5 của Chương trình 1719 cũng hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nhiều công trình trường học các cấp.
Năm học 2024-2025, Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Đắk Som (Đắk Glong) được đưa vào sử dụng nhà 2 tầng gồm 8 phòng học bộ môn. Đây là công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn dự án 5, Chương trình 1719 với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Trường THCS Phan Chu Trinh có 312 học sinh các cấp, trong đó có 60% là người dân tộc Mạ. Việc đưa vào sử dụng 8 phòng học mới này, nhà trường đã đáp ứng đủ nhu cầu học tập tại địa phương, mặc dù số lượng học sinh năm học này tăng 40 em so với năm học trước.
Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som thông tin, sau khi được đầu tư xây dựng các phòng học mới và các công trình phụ trợ, hiện tại, nhà trường và UBND xã đang xây dựng hồ sơ để đề nghị các cấp công nhân đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I cho Trường THCS Phan Chu Trinh trong năm 2025. Đây là điều mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã thật sự vui mừng.
Đắk Glong cũng là địa phương thực hiện dự án 5, Chương trình 1719 rất hiệu quả, nhất là tiểu dự án 1 xóa mù chữ (XMC) cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, từ 2019 - 2024, toàn huyện đã mở hơn 35 lớp XMC, thu hút trên 1.000 học viên tham gia.
Riêng năm 2023-2024, huyện đã tổ chức được 20 lớp XMC với 520 học viên, chủ yếu là đồng bào DTTS. Mỗi năm, ngành Giáo dục huyện đã thực hiện giảm từ 4,69% đến 5% tỷ lệ người mù chữ.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn dự án 5
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, tổng nguồn vốn của dự án 5 thuộc Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 là hơn 125 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024 đã phân bổ gần 109 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 44 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3%.
Riêng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục đã được phân bổ trực tiếp cho UBND các huyện, xã và các ngành chức năng. Điều này tạo nên sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện. Với nguồn vốn phân bổ, các địa phương đã chủ động rà soát các trường học đã xuống cấp, hoặc chưa đủ phòng học để triển khai xây dựng, sửa chữa kịp thời.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông nhận định, việc triển khai dự án 5 nói riêng, Chương trình 1719 nói chung đã thực sự đem lại nhiều hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS. Dự án 5 đã hỗ trợ đắc lực việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp kiên cố; sửa chữa, trùng tu những cơ sở xuống cấp. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Trong năm 2025 và thời gian tiếp theo, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát các trường học đã xuống cấp mạnh, thiếu phòng học để đưa vào danh mục đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp.
Riêng đối với tiểu dự án 1, dự án 5, Ban Dân tộc tỉnh đề nghị các địa phương chú trọng việc đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, đẩy mạnh công tác XMC cho người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là các huyện nghèo, huyện biên giới.
Đến hết năm 2025, Đắk Nông phấn đấu 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo đến trường đạt 98%. Học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%; học THCS trên 95%; học THPT trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.