Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hồng Thoan| 23/03/2021 08:53

Sức ép từ việc khai thác quá mức và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm nguồn lợi thủy sản suy giảm. Do đó, các cấp, ngành và cộng đồng đang chung tay tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái nước bền vững.

Được cộng đồng hưởng ứng

Vừa qua, chính quyền, người dân xã Cư K’nia (Cư Jút) và Công ty TNHH Việt Thịnh Phát đã tổ chức thả cá giống xuống hồ thủy lợi Đắk Diêr. Tổng cộng, có 4 tạ cá giống các loại đã được thả xuống hồ.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Hồ Tây (Đắk Mil)

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K'nia, thời gian qua, nguồn lợi thủy sản trong hồ Đắk Diêr có xu hướng giảm. Do đó, việc thả cá giống sẽ góp phần khôi phục lại đàn cá, bảo vệ sinh thái trong hồ và khu vực phụ cận.

Hoạt động thả cá giống đã góp phần nâng cao ý thức nguời dân, doanh nghiệp về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác đúng quy định và gìn giữ môi trường sông nước tự nhiên.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Công ty Thủy điện Đồng Nai đã thả 3 tạ cá giống xuống hồ thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som (Đắk Glong). Cũng tại hồ thủy điện Đồng Nai 3, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị như Sở Nông nghiệp - PTNT, Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT chi nhánh Đắk Nông đã thả nhiều cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Động lực tái cơ cấu ngành thủy sản

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, những năm trước, do nguồn lợi thủy sản tự nhiên có xu hướng giảm, nên UBND tỉnh đã ban hành Chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, UBND tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bằng những hành động cụ thể để bảo vệ, khôi phục, phát triển nguồn thủy sản tự nhiên.

Hưởng ứng chương trình của UBND tỉnh đã ban hành, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện thả các loại cá giống xuống các sông, hồ, góp phần bảo tồn, duy trì nguồn lợi thủy sản, tạo môi trường sinh thái tự nhiên ổn định. Ước tính, đã có hàng trăm tạ cá giống được thả vào môi trường tự nhiên.

Người dân xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) nuôi cá chép, diêu hồng trong hồ cho thu nhập ổn định

Theo đánh giá, qua nhiều năm triển khai hoạt động thả cá giống, nguồn lợi thủy sản nước ngọt tại các hồ đập, sông suối được bảo vệ, nâng cao sản lượng. Người dân ngày càng ý thức tốt hơn về việc khai thác thủy sản theo tinh thần đúng mức, hợp lý, bảo vệ các loài cá quý, hiếm ở địa phương.

Đặc biệt, tại nhiều địa bàn, bà con đã không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Nhờ đó, nhiều sông, hồ, nguồn thủy sản phát triển mạnh, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, bảo vệ môi trường bền vững.

Hiện ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản. Ngành Nông nghiệp hướng tới nhiều loại hình nuôi thủy sản trên các vùng sinh thái khác nhau, đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ngành thủy sản đang từng bước hình thành quy mô công nghiệp.

Việc chăn nuôi thủy sản đang được người dân coi trọng áp dụng các công nghệ, mô hình tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật mới (VietGAP, BMP, CoC) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trung tâm giống thủy sản của tỉnh được mở rộng quy mô nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng con giống cho người dân...

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.800 ha ao hồ, mặt sông, suối được dùng để phát triển thủy sản, với sản lượng đạt trên 7.300 tấn/năm. Toàn tỉnh có trên 350 lồng, bè nuôi cá ở các huyện Krông Nô (102 lồng), Đắk R’lấp (97 lồng), Gia Nghĩa (60 lồng), Cư Jút (40 lồng), Đắk Glong (24 lồng) và Đắk Mil (16 lồng).

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/chung-tay-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-85246.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/chung-tay-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-85246.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO