Chung tay bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại

Thanh Hằng| 29/08/2022 11:17

Tại Diễn đàn trẻ em năm 2022 tỉnh Đắk Nông, nhiều đại biểu đều đồng tình cho rằng, những mối đe dọa hiện hữu xung quanh và tồn tại ngay trong mỗi gia đình của trẻ. Chính vì thế, bảo vệ trẻ em không chỉ xuất phát từ chính bản thân các em mà cần có sự chung tay của cả gia đình, xã hội.

ADQuảng cáo

"Nhức nhối" xâm hại tình dục

Ngày 26/8, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2022, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Diễn đàn đã thảo luận một số nội dung như: bảo vệ trẻ em trước bạo lực, xâm hại tình dục; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em trước nạn tảo hôn và giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em. Trong số các nội dung thảo luận, nhận được sự quan tâm nhất vẫn là sự gia tăng của tội phạm xâm hại tình dục.

Em Võ Ánh Nguyệt ở thôn Tuy Đức, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho rằng, hiện nay, tình trạng xâm hại và bạo lực trẻ em còn diễn ra khá nhiều nhưng một số vụ việc chưa được giải quyết, xử lý kịp thời. Đặc biệt, có trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng không dám báo cho gia đình, nhà trường hoặc cấp chính quyền địa phương.

Cũng từ tình trạng này, Ánh Nguyệt đặt câu hỏi: “Biện pháp gì để giải quyết vấn đề này, cũng như cơ quan chức năng có cách gì để trẻ tự bảo vệ bản thân khi có nguy cơ bị xâm hại và bạo lực? Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em phải tìm đến cơ quan chức năng hay số điện thoại nào để xin giúp đỡ ?”

Em Võ Ánh Nguyệt (Tuy Đức) trình bày ý kiến về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Trần Đình Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh thông tin, trong năm 2021, cơ quan công an đã khởi tố 23 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục, trong đó có cả nạn nhân là trẻ em nam.

“Hiện nay, một số vụ việc xảy ra chưa được xử lý kịp thời, gây hoang mang, lo lắng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự thiếu phối hợp, thậm chí bao che của người thân nạn nhân”- ông Tuấn khái quát.

Nêu dẫn chứng, ông Tuấn kể: “Có nạn nhân sinh năm 2009 tại Đắk Song bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai. Sự việc chỉ được phát hiện sau hơn 6 tháng, kể từ ngày em bị xâm hại, khi cái thai trong bụng của em đã lớn. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã khởi tố một đối tượng, thế nhưng khi xét nghiệm ADN lại phát hiện, cha đứa bé là em họ của nạn nhân”.

Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cũng thông tin, trên 93% nạn nhân xâm hại tình dục đã liên hệ tổng đài 111 để nhờ trợ giúp. Cũng từ đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp bị xâm hại bởi chính người thân, người quen của nạn nhân. Riêng với tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2019 tới nay, qua thống kê cho thấy trên 70% đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen.

ADQuảng cáo

Đại diện Công an tỉnh thông tin về việc xử lý tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian qua

“Mới đây, Cơ quan Công an tỉnh đã bắt hai vợ chồng; trong đó có mẹ ruột của nạn nhân để điều tra về hành vi hiếp dâm trẻ em. Nguyên nhân là người mẹ phát hiện con riêng bị cha dượng xâm hại nhưng không những không tố cáo mà còn tạo điều kiện để chồng xâm hại con. Hay như một sự việc khác, người cha biết con mình bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai nên đã bí mật nhờ cơ quan công an điều tra, với mong muốn tìm bố cho cháu ngoại của mình chứ không muốn xử phạt. Kết quả điều tra cho thấy, chính cậu ruột là người xâm hại cháu bé và mẹ ruột cháu bé có biết nhưng cố tình che giấu”- ông Tuấn lấy một số ví dụ trong thời gian qua.

Từ những ví dụ ở trên, ông Tuấn lưu ý: “Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân có thể tìm tới những người mà mình tin tưởng nhất, không chỉ là người thân mà có thể đó là người quen, bạn bè, thầy cô giáo… để thông báo tới cơ quan chức năng trợ giúp”.

Giúp trẻ an toàn trên môi trường mạng

Cũng tại diễn đàn, nhiều trẻ em cho rằng, hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Nhiều thiết bị điện tử thông minh đã hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, giải trí của trẻ em. Tuy nhiên, môi trường mạng xã hội cũng tồn tại nhiều hình ảnh, thông tin xấu, độc, từ đó có thể dẫn đến sự tổn thương nghiêm trọng về mặt cảm xúc, tâm lý và thể chất của trẻ và làm gia tăng nguy cơ các em bị xâm hại.

Để tránh những rủi ro cho trẻ khi bước vào thời đại công nghệ số, một bạn trẻ đến từ huyện Đắk Mil đặt câu hỏi: “Cơ quan chức năng đã, đang và cần làm gì để trẻ em tham gia mạng xã hội, sử dụng internet an toàn, hiệu quả ?”

Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, Bộ TT-TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc, đồng thời ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người dùng phải có trách nhiệm, ý thức bảo vệ mình và xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh.

Tại tỉnh Đắk Nông, Công an tỉnh thành lập Phòng An ninh công nghệ cao, phối hợp các sở, ngành… theo dõi, rà soát những thông tin xấu độc để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Sở TT-TT cũng tăng cường các biện pháp để giáo dục, hướng dẫn học sinh sử dụng các thiết bị điện tử, phần mềm học tập và mạng xã hội khoa học, an toàn.

Đưa ra lời khuyên cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội, ông Đoàn Ngọc Vinh nhắn nhủ: “Khi sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử có kết nối mạng internet, trẻ em hạn chế sử dụng trong phòng ngủ mà nên sử dụng ở phòng khách, phòng sinh hoạt chung của gia đình. Trẻ em, nhất là các em học sinh, cần có sự phân bổ thời gian rõ ràng khi sử dụng thiết bị điện tử; trong đó khai thác tối đa hiệu quả của các thiết bị này vào việc học tập; thiết lập và bảo mật các tài khoản; không cài đặt các ứng dụng hoặc truy cập vào các website không phù hợp với lứa tuổi…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO