Con của ông Phan Thế Toàn (Đồng Nai) được 1 tháng tuổi. Ông và mẹ của cháu bé chưa đăng ký kết hôn. Nay ông muốn đăng ký khai sinh cho con kết hợp việc nhận cha, con bằng văn bản cam đoan, nhưng cán bộ xã yêu cầu ông phải có giấy xét nghiệm ADN.
Ông Toàn hỏi, cán bộ xã yêu cầu ông như trên có đúng không? Theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP nếu không có điều kiện chứng minh quan hệ cha, con bằng văn bản y tế thì chỉ cần văn bản cam đoan nhận cha, con.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 và Khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
"1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con".
Điều 15 Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định việc kết hợp giải quyết đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con như sau:
"Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam".
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch;
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
Trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 16 và Điều 25 Luật Hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 và Điều 44 Luật Hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư này. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.
Trường hợp ông Phan Thế Toàn phản ánh, luật sư có ý kiến như sau: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP thì việc công chức tư pháp đề nghị người có yêu cầu xác định quan hệ cha con cung cấp văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền (cụ thể là kết quả giám định ADN) nhằm xác nhận quan hệ cha, mẹ, con là cần thiết, đây là chứng cứ được ưu tiên hàng đầu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con. Trường hợp này công chức tư pháp tiếp nhận hồ sơ kết hợp giải quyết đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con yêu cầu bổ sung kết quả giám định AND là đúng quy định, nhằm tránh phát sinh tranh chấp có thể xảy ra trong việc xác định cha, mẹ, con.
Khoản 2 Điều 14 Thông tư này quy định: Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư này, trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 nêu trên, thì công chức tư pháp hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.
Công chức tư pháp hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch có quyền từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.
Trường hợp ông Phan Thế Toàn, nếu không có điều kiện để giám định ADN xác định quan hệ cha, mẹ, con, thì ông có thể đề nghị công chức tư pháp hộ tịch, UBND xã cho phép lập văn bản cam đoan về quan hệ cha con là đúng sự thật và cam đoan chịu trách nhiệm, hệ quả pháp lý nếu việc cam đoan không đúng sự thật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.