Cơ sở đào tạo ngành Công Thương: Cần đột phá trong nghiên cứu khoa họcCác cơ sở đào tạo ngành Công Thương: Đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế số |
Nhằm tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương.
Thưa ông, công tác nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở đào tạo ngành Công Thương thời gian qua đã diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Hiếu (ngoài cùng bên phải) tại kỳ họp thứ 3 đánh giá chương trình đào tạo Kosen (Ảnh:Cao Đức Thành) |
Nguồn nhân lực là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động của Nhà trường. Cơ chế, chính sách về thu hút và phát triển nguồn nhân lực đã được các trường chú trọng, đây là hành lang pháp lý thuận lợi, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến năm học 2022 - 2023, tổng số cán bộ làm công tác quản lý trong biên chế tại các cơ sở đào tạo ngành Công Thương là 1.170 cán bộ (245 tiến sĩ, 746 thạc sĩ, 167 cán bộ trình độ đại học và 12 dưới đại học); 6.888 giảng viên (trong đó 16 giáo sư, 126 phó giáo sư, 1.161 tiến sĩ, 4.850 là thạc sĩ) với số lượng giảng viên đạt chuẩn 2.692 người; giảng viên, giáo viên thỉnh giảng là 1.521 với 309 tiến sĩ, 820 thạc sĩ, 321 đại học, trong đó đạt chuẩn là 370 giảng viên, 19 giáo sư và 65 phó giáo sư.
Qua đánh giá số lượng cán bộ quản lý, giảng viên từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023 chúng tôi nhận thấy, số lượng giáo viên, cán bộ nhân viên... thuộc biên chế trong năm học 2021 - 2022 giảm nhẹ so với năm học trước trong khi số giảng viên thỉnh giảng tăng khoảng 7% so với năm học 2020 - 2021; số lượng giáo viên tăng 1% trong khi cán bộ khối phục vụ giảm 5% cho thấy, các trường đang tinh gọn bộ máy phục vụ và tăng số lượng giáo viên.
Trình độ của đội ngũ giảng viên có sự cải thiện đáng kể các năm gần đây. Theo đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 17% do các trường chú trọng tuyển dụng và xây dựng cơ chế ưu đãi tuyển dụng giáo viên có trình độ tiến sĩ và số giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên và họ bước đầu áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiên tiến trên thế giới, theo đó, đề cao vai trò của người học, khuyến khích người học có thể tự học, tự nghiên cứu.
Vậy những vấn đề nào đang tồn tại trong công tác nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và các trường đã giải quyết các tồn tại này thế nào thưa ông?
Hiện đang diễn ra tình trạng thừa giáo viên đối với những trường hoặc ngành/nghề tuyển sinh thấp, không đạt chỉ tiêu; thiếu giáo viên đối với trường hợp tuyển sinh tốt. Cơ cấu đội ngũ một số trường vẫn chưa hợp lý do đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ vẫn chiếm tỷ lệ cao là thực tế chậm khắc phục ở các trường. Cần thời gian và kinh phí đào tạo lại cho giáo viên (biên chế) chuyển đổi công việc.
Bên cạnh đó, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo còn nhiều hạn chế; việc cải tiến về phương pháp giảng dạy ở đội ngũ giảng viên lâu năm còn chậm. Nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tuyển dụng đãi ngộ thu hút nhân tài vào làm việc còn hạn chế…
Theo Quy định về chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp, đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nhằm đáp ứng được yêu cầu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường và yêu cầu hội nhập quốc tế, các Trường đã chú trọng đến việc phát triển chương trình, tài liệu học ngoại ngữ, xây dựng các chương trình đào tạo, các môn học chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài (trong đó nhiều nhất bằng ngôn ngữ tiếng Anh), đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình dạy, học và thực hành ngoại ngữ.
Trong lộ trình chiến lược phát triển của các Trường đào tạo, việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giảng viên là nhiệm vụ then chốt |
Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để đánh giá năng lực ngoại ngữ độc lập như: IIG Việt Nam, IDP Việt Nam, Hội đồng Anh để tổ chức thi Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, Aptis.
Một số Trường có liên kết hoặc quan hệ hợp tác với nước ngoài có chuyên gia tiếng Anh sang giảng dạy tại Trường như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các Trường thuộc Bộ có 2 Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đặc biệt, năm học 2021 - 2022 Bộ đã giao nhiệm vụ cho bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về phương pháp giảng dạy kết hợp, bao gồm tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra đánh giá, quản lý lớp học, phương pháp giảng dạy các kỹ năng theo phương pháp kết hợp - blended learning cho giảng viên Tiếng Anh cho các trường thuộc Bộ.
Ngoài ra, theo đánh giá của chúng tôi, mức độ đầu tư, quan tâm của các trường cho hoạt động này không giống nhau dẫn đến sự chênh lệnh về chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường trực thuộc Bộ. Cùng với đó, trong năm học 2021 - 2022 do dịch bệnh kéo dài nên việc cử giảng viên tham gia học, bồi dưỡng ngoại ngữ, đào tạo ở trong nước và nước ngoài bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, đối với công tác hợp tác quốc tế, các hoạt động hợp tác về chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên và trao đổi sinh viên, hỗ trợ học bổng,... đã được triển khai đơn cử như: KISMEC hỗ trợ đào tạo giảng viên kỹ thuật cho 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với Hiệp hội KOSEN triển khai thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành tại 3 trường cao đẳng gồm: Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghiệp Huế, Công nghiệp và Thương mại. KOSEN hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình giảng dạy, kết nối doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông có thể chia sẻ về định hướng trong thời gian tới của Bộ Công Thương trong việc nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên?
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, năng lực sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng cho hội nhập quốc tế, kiến thức kinh doanh và khởi nghiệp, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giảng dạy. Chú trọng cải thiện kinh nghiệm thực tế của giảng viên dạy nghề, dạy thực hành trong các nhà trường.
Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ nhằm thu hút giáo viên, giảng viên có trình độ cao; nâng cao chất lượng công tác đánh giá giáo viên gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.
Tạo lập môi trường nghiên cứu trong nhà trường để mỗi giảng viên có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu của mình và dìu dắt sinh viên nghiên cứu; phát huy tính chủ động trong hợp tác nghiên cứu với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn cao, làm tốt vai trò quản trị, hướng dẫn người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Đặc biệt, tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế ở các trường.
Xin cảm ơn ông!