Tham dự cuộc họp báo có các phóng viên Pháp. (Ảnh: MINH DUY) |
Buổi họp báo được tổ chức tại Trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris. Tham dự có hai trong số 3 luật sư đồng hành cùng bà Trần Tố Nga nhiều năm qua, gồm ông William Bourdon và ông Bertrand Repolt.
Đây là vụ kiện mà bà Trần Tố Nga theo đuổi từ năm 2009, kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng cho bà cũng như hàng triệu nạn nhân khác ở Việt Nam.
Luật sư William Bourdon cho biết: "Chúng tôi đã thu thập rất nhiều thông tin từ các luật sư, cựu chiến binh Mỹ, thông qua tất cả các ghi chép cũng như các cuộc trao đổi qua điện thoại hoặc là những cuộc trò chuyện ngắn. Các công ty hóa chất của Mỹ đã không hành động theo đúng như những gì họ cam kết. Đây là một biểu hiện của sự lừa dối. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt kết quả trong cuộc đấu tranh lần này để nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được bồi thường".
Tham dự cuộc họp báo có các phóng viên Pháp. (Ảnh: MINH DUY) |
Chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam trong tháng trước, hai luật sư cho rằng đây chắc chắn là một thử thách mang tính lịch sử và cũng là cuộc đấu tranh vì công lý cho hàng trăm nghìn nạn nhân của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Ông William Bourdon cho biết: "Chúng tôi đã đến thăm các trung tâm y tế và cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chúng tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ bị di chứng nặng nề bởi chất độc da cam. Có thể nói rằng chất độc màu da cam là một thảm kịch về môi trường, sức khỏe và cộng đồng. Chất độc này đã gây ra những di chứng khủng khiếp qua mấy thế hệ và có thể còn tác động rất lớn đến các thế hệ tiếp theo. Đây là một thực tế đau lòng và không thể chối cãi".
Theo luật sư William Bourdon, phiên phúc thẩm sắp tới sẽ đề cập đến vấn đề bồi thường của các công ty hóa chất Mỹ.
Ông nói: "Tôi hy vọng rằng với những lý lẽ mạnh mẽ và có tính thuyết phục, tòa án phúc thẩm sẽ xem xét, loại bỏ quyền miễn trừ mà các công ty hóa chất Mỹ được hưởng cho quá trình sản xuất những sản phẩm, nguyên nhân dẫn tới vụ kiện này. Chất độc da cam/dioxin là một thảm họa về sức khỏe và môi trường. Chúng ta cần làm rõ vấn đề rằng các công ty này sản xuất chất độc da cam là do họ tự nghiên cứu hay theo yêu cầu từ phía chính phủ. Phiên tòa sắp tới sẽ mang tính quyết định làm thay đổi quan điểm của tòa đối với việc bồi thường cho các nạn nhân có liên quan. Chất độc da cam/dioxin có tác hại vô cùng to lớn và để lại những hậu quả không thể khắc phục được. Không thể để họ làm giàu trên hàng triệu nạn nhân. Hậu quả khủng khiếp của sản phẩm hóa học này sẽ còn gây ra nhiều đau khổ cho các thế hệ về sau".
Còn luật sư Bertrand Repolt cho rằng, điều quan trọng là phải làm rõ được các công ty hóa chất Mỹ này nhận thức được sự nguy hiểm của sản phẩm hóa học mà họ cung cấp cho quân đội Mỹ.
Luật sư William Bourdon (phải) và luật sư Bertrand Repolt bày tỏ quyết tâm |
Ông Bertrand Repolt nói: "Cần phải xem xét các trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ đối với hành vi được thực hiện vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Để làm được việc này, chúng tôi đã kết hợp với các luật sư từ phía Mỹ, những người có thể tiếp cận các bộ hồ sơ nội bộ tại thời điểm đó như một phần của quá trình kiện tụng này. Chúng tôi sẽ nỗ lực theo đuổi cuộc đấu tranh này bằng tất cả quyết tâm và với những lập luận mạnh mẽ. Chúng tôi rất vui khi thấy bà Trần Tố Nga không đơn độc, có thêm nhiều hội đoàn, tổ chức và cá nhân ủng hộ vụ kiện này".
Chia sẻ về sự chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới, bà Trần Tố Nga cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui khi xã hội ngày nay của chúng ta đặt mối quan tâm ngày càng lớn tới các vấn đề chất độc da cam. Tôi cũng rất vui khi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều hội đoàn, tổ chức các hoạt động để vận động dư luận ủng hộ vụ kiện và quyên góp để trả các chi phí pháp lý".
Bà Trần Tố Nga: "Chúng tôi sẽ nỗ lực theo đuổi cuộc đấu tranh này bằng tất cả quyết tâm". (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Bà Trần Tố Nga nói thêm: "Cuộc báo ngày hôm nay vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện của nhiều nhà báo Pháp, để có thể lan tỏa sự ủng hộ cũng như là sự hiểu biết của xã hội đối với phiên phúc thẩm chất độc da cam lần này. Tôi cũng hy vọng rằng cuộc vận động vào ngày 4/5 sẽ giúp cho các thẩm phán có thể nhìn thấy rõ sự ủng hộ của dư luận đối với vụ kiện vì công lý cho tôi và các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, từ đó có thể đưa ra kết luận sáng suốt.
Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh này của tôi không hề có sự hiện diện của bom đạn hay vũ khí nhưng nó là một cuộc đấu tranh vô cùng khắc nghiệt. Tôi cũng hy vọng rằng sẽ có những người lớp kế cận trong tương lai thay thế tôi lên án việc sử dụng chất độc da cam.
Còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, như vấn đề tài chính để theo đuổi vụ kiện. Dù vậy, chúng tôi có sự ủng hộ rất lớn từ các hội đoàn và cá nhân ở Pháp cũng như ở Việt Nam. Và các luật sư Pháp đang rất quyết tâm. Bản thân tôi thấy vô cùng xúc động khi thấy rằng tôi không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh lần này".
Ngày 4/5, một cuộc vận động ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga sẽ diễn ra ở Paris với sự tham dự của nhiều hội đoàn và tổ chức. Các luật sư Pháp cho rằng, đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để dư luận ở Pháp, nhất là thế hệ trẻ, biết rõ hơn về nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, bị nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Các xét nghiệm y tế cho thấy nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn tiêu chuẩn quy định.
Bà Trần Tố Nga chuẩn bị suốt 4 năm từ 2009 tới 2013 cho vụ kiện. Tới tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris) chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Tháng 4/2014, tòa mở phiên đầu tiên yêu cầu 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có mặt (do nhiều công ty đã giải thể).
Vụ kiện của bà Nga là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt. Bà là người duy nhất có thể đại diện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc da cam.
Ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Evry đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto & Dow Chemical, đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa đại hình Evry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân “có chủ quyền.”
Dù vậy, bà Trần Tố Nga và ba luật sư Pháp tình nguyện giúp bà theo đuổi vụ kiện nhiều năm qua, tiếp tục kháng án.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2024.