Chưa thực hiện hết các nhiệm vụ phòng, chống tác hại thuốc lá
Mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã có sự quan tâm vào cuộc nhưng công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.
Còn 5/10 nhiệm vụ chưa triển khai
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm 2021-2022, với sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, tỉnh Đắk Nông bước đầu đã triển khai các hoạt động PCTHTL tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong 10 nhiệm vụ cần phải triển khai thì có đến 5 nhiệm vụ vẫn chưa triển khai.
Cụ thể, Đắk Nông chỉ mới triển khai được các nhiệm vụ: truyền thông về tác hại của thuốc lá và PCTHTL phù hợp với từng nhóm đối tượng; Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá và phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về PCTHTL dựa vào cộng đồng và tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng; xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác PCTHTL; tổ chức truyền thông nói chuyện chuyên đề cho các cơ quan, đơn vị, trường học.
Trong khi đó, 5 nhiệm vụ vẫn chưa triển khai được gồm: tổ chức cai nghiện thuốc lá; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng; nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác PCTHTL; xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và PCTHTL vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học; thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.
Vẫn phụ thuộc ý thức người hút thuốc lá
Theo đánh giá của ngành Y tế, những khó khăn trên bắt nguồn từ đời sống kinh tế còn nghèo, dân cư thưa thớt, địa hình rộng và phức tạp. Thành phần dân tộc đa dạng, vẫn còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu... do đó rất khó tiếp cận để triển khai các hoạt động trong chiến lược quốc gia về PCTHTL.
Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại địa phương chưa thật sự chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong hoạt động tuyên truyền về pháp luật PCTHTL.
Cụ thể, việc triển khai công tác đào tạo tập huấn và truyền thông nói chuyện trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp và các trường học gặp nhiều khó khăn và không bảo đảm tiến độ cũng như số lượng theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng chống tác hại thuốc lá; đồng thời lịch lao động, sản xuất và học tập đã kín, do đó khó bố trí thời gian để triển khai tuyên truyền.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ yếu là do ngành Y tế thực hiện nên việc phổ biến chưa thật sự được sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động và người dân, nhất là người hút thuốc lá chưa cao nên chưa thật sự quan tâm đến pháp luật PCTHTL. Điều này, làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiếp cận để tuyên truyền.
Mặc dù chế tài xử phạt đã có nhưng chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành trong việc xử lý vi phạm các quy định của Luật PCTHTL nên thiếu tính răn đe, thuyết phục. Người dân dù biết nhưng vẫn vi phạm các quy định của Luật PCTHTL
Trong khi đó, mặc dù chế tài xử phạt đã có nhưng chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành trong việc xử lý vi phạm các quy định của Luật PCTHTL nên thiếu tính răn đe, thuyết phục. Người dân dù biết nhưng vẫn vi phạm các quy định của Luật PCTHTL.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho rằng,
Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền, ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của Luật PCTHTL.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông