Pháp luật

Chưa giải quyết hết hệ lụy từ buông lỏng quản lý rừng thông ở Đắk Glong

Lê Phước 30/03/2023 05:00

Những năm trước đây, một số đơn vị chủ rừng buông lỏng quản lý đất rừng thông dọc quốc lộ 28 (QL28), đoạn qua huyện Đắk Glong. Từ đó dẫn đến những hệ lụy kéo dài mà đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Gia đình bà Trần Thị Hồng là 1 trong những đối tượng lấn chiếm trái phép đất rừng thông dọc QL28 tại xã Quảng Sơn. Năm 2022, UBND huyện Đắk Glong đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất rừng dọc QL28 bị lấn chiếm, trong đó có trường hợp của bà Hồng.

Sau gần 1 năm trôi qua, gia đình bà vẫn nán lại ở khu vực từng cưỡng chế trước đây. Căn nhà gỗ tạm che bạt xung quanh, lợp tôn cũ đang là nơi ở của 2 vợ chồng và 3 đứa con.

a1-hong-1-.jpg
Gia đình bà Hồng quay lại khu đất bị cưỡng chế dọc QL28 để ở tạm

Theo bà Hồng, gia đình bà mua lại 1,1 sào đất từ người dân địa phương cách đây hơn 10 năm. Năm 2013, hai vợ chồng đưa nhau lên khu đất này dựng nhà để ở. Cây cối xung quanh lúc đó còn nhiều và cũng không ai nói là đất của Nhà nước quản lý.

Đến năm 2019, bà Hồng lên xã xin được sửa chữa căn nhà cũ thì được địa chính thông báo là đất của Nhà nước. Rồi sau đó, chính quyền lập biên bản, tổ chức cưỡng chế.

“Chúng tôi ở sát QL28 đã nhiêu năm và xung quanh có người ở kín. Vậy mà bị cưỡng chế. Giờ nhà cửa không có, chúng tôi chẳng biết đi về đâu”, bà Hồng cho biết.

Cách đó không xa là căn nhà tạm của gia đình bà Hà Thị Thuân. Căn nhà khung gỗ dựng lên, che bạt xung quanh rồi lợp mái tranh là nơi sinh hoạt hàng ngày của cả chục nhân khẩu.

a2-thuan-1-.jpg
Gia đình bà Thuân quay lại dựng nhà ở nơi trước đây cưỡng chế và tiếp tục kiến nghị

Khu đất này đã từng được địa phương tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất để trồng lại rừng. Nhưng khi lực lượng chức năng xuống, gia đình bà Thuân vẫn không rời đi. Bà Thuân cho rằng không còn nơi nào để đi và khu đất này thuộc sở hữu của gia đình mình.

Theo bà Thuân, dọc QL28 trước đây cơ bản đều là rừng thông. Gia đình bà cùng nhiều người khác mua lại đất của những người dân ở đây để canh tác, làm nhà ở. Từ đó, dọc QL28 hình thành những xóm dân cư tự phát, nhập khẩu vào xã.

“Người dân chúng tôi thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ. Nhưng lỗi đầu tiên là do đơn vị quản lý không tốt. Hệ lụy này ai sẽ chịu trách nhiệm thì chưa rõ, nhưng những người dân chúng tôi phải gánh chịu đầu tiên”, bà Thuân phản ánh.

Phần đất UBND huyện Đắk Glong cưỡng chế từng là rừng thông, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Quảng Sơn) quản lý.

Năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông bóc tách hơn 162ha rừng, đất rừng giao cho Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ thuê để thực hiện dự án. Nhưng Công ty này quản lý không tốt, nên phần lớn đất dự án bị người dân lấn chiếm. Đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi dự án, giao lại cho Công ty Quảng Sơn quản lý.

a3-ql28-1-.jpg
Một sô hộ dân vẫn ở khu vực UBND huyện Đắk Glong cưỡng chế năm 2022

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn, hệ lụy tại dự án của Công ty TNHH MTV Nguyên Vũ để lại vẫn tiếp tục kéo dài. Nhiều diện tích thông non mới trồng đã bị phá hoại. Một số trường hợp đã gửi đơn kiện ra tòa án. Một số trường hợp thì quay lại dựng nhà cửa, không chịu dời đi.

“Hầu hết các diện tích bàn giao về đều bị người dân lấn chiếm. Việc buông lỏng quản lý của các đơn vị chủ rừng khiến cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết hậu quả. Người dân địa phương kiến nghị, còn chúng tôi thì không đủ thẩm quyền để giải quyết yêu sách của họ”, ông Tuấn chia sẻ.

UBND huyện Đắk Glong xác định có 133 hộ dân đã lấn chiếm trên 35ha rừng thông dọc QL28. Huyện đã tổ chức cưỡng chế 3 đợt, giải tỏa được 27ha, bàn giao cho Công ty Quảng Sơn trồng lại rừng. Hiện còn khoảng 20 trường hợp với 8ha đất rừng chưa được giải tỏa.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chưa giải quyết hết hệ lụy từ buông lỏng quản lý rừng thông ở Đắk Glong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO