Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên?

31/05/2023 13:38

Ngày 31/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham luận, tranh luận về nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh công việc.

Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hữu Hậu.

Cán bộ sợ sai là do quy định, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng

Nhất trí rằng đang có một nhóm cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, đại biểu Trần Hữu Hậu (Long An) đã phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm như thế.

Theo ông, nếu trong thực thi công vụ, để làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình mà có các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông công chức, viên chức sẽ chỉ cần nỗ lực, sáng tạo, tìm ra cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong không ít việc, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm các quy định hiện hành, pháp luật của Nhà nước.

"Do vậy, những người thấy làm sai quy định, sai luật, dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là "điếc không sợ súng" hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Từ đó, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng: Việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi, bởi trong nhiều trường hợp như vậy là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Khi ấy lại cần có việc bảo vệ người bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Cứ theo bậc thang thì có thể phải lên đến Quốc hội, vì cái vướng mắc làm cho họ không dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.

"Cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, chờ chỉ đạo của cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi, nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng, nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm trở thành phổ biến", đại biểu Trần Hữu Hậu phân tích.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, nhìn lại việc xây dựng, ban hành chính nghị định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy. Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14, Hội nghị Trung ương 6 đã có Nghị quyết 28, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong Nghị quyết 75 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2023 và Công điện 280 đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện dự thảo nghị định báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2023.

"Việc định hướng và chỉ đạo là rất rõ ràng. Nhưng sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết thí điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Chính phủ mới ban hành nghị định", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên? - Ảnh 2.

Không thể chấp nhận tình trạng các cơ quan đều làm đúng, nhưng việc nóng hổi của dân, của nước lại đóng băng

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, cần làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm, không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ.

Cán bộ, công chức, viên chức các cấp cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Muốn như vậy, khi phát hiện luật, quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ, nhưng đơn giản, ngắn gọn.

Đại biểu Trần Hữu Hậu bày tỏ với phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ với câu hỏi của chính đại biểu: "Luật là do chúng ta. Trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra. Vậy thì chúng ta phải sửa".

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, để sửa những bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn. Có không ít những vấn đề khi đưa ra bàn, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan liên quan đều có lý lẽ của mình và dường như đều đúng.

Đáng tiếc là trong không ít trường hợp, khi hầu hết các cá nhân, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng.

"Chúng ta không thể chấp nhận những hiện tượng phi logir, ngược quy luật như vậy. Cái đúng đi với cái đúng phải mang đến sự thông thoáng, phải giúp đất nước phát triển, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Cái đúng đi với cái đúng không thể dẫn tới sự trì trệ, đến việc làm nghèo đất nước", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Chúng ta đã đưa ra được giải pháp đúng là ban hành nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, hay một luật sửa nhiều luật, nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét để có cách làm, trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức bớt phải dám nghĩ, dám làm, tập trung sức lực, trí tuệ để năng động, sáng tạo làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật.

Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên? - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám.

Cá thể hóa trách nhiệm; rà soát tỷ lệ cán bộ "sáng cắp ô đi tối cắp ô về"

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám, Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Kon Tum nói hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn.

Nguyên nhân có một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Không dám làm thì né tránh, đùn đẩy.

Theo ông, đây là hiện tượng "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" và cần phải rà soát tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý số cán bộ, bộ phận này.

Đề cập giải pháp, ngoài gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng cần cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vì việc chậm ban hành văn bản chi tiết chưa được khắc phục.

Cùng với đó sớm sớm ban hành cụ thể hóa thành cơ chế pháp luật từ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên? - Ảnh 4.

Đại biểu Tạ Văn Hạ.

Cái chính của vấn đề cán bộ sợ sai là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu

Cũng giơ biển tranh luận, Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề phải "bắt nguyên nhân thế nào cho đúng bệnh".

Đại biểu dẫn câu chuyện đầu tư công làm ví dụ. Nếu đầu tư công hoàn thành sẽ đóng góp tăng trưởng 2% GDP nhưng tại sao làm nhiều năm nay chỉ mới giải ngân được 14,6%.

Theo quy luật năm nay là năm thứ 3 đầu tư công trung hạn, khi hoàn thành hết các thủ tục rồi thì càng về cuối giải ngân phải càng cao và càng dễ hơn nhưng vẫn chậm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành cùng Chính phủ bằng các cuộc họp bất thường, có nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, làm đến cùng. Trên thực tế có rất nhiều tỉnh giải ngân rất tốt như Yên Bái, một số tỉnh cũng không gặp vướng mắc về chính sách.

Ngoài ra, đại biểu ghi nhận Thủ tướng đã rất quyết liệt khi ban hành 2 công điện gần đây để chấn chỉnh vấn đề này nhưng cũng băn khoăn "tại sao vẫn không giải quyết được".

Ông kể lại khi trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự: "Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm thì lãnh đạo họ bị xử đến nơi đến chốn nhưng cái khó ở đây là làm sao tham mưu phải đúng quy định pháp luật nhưng đồng thời phải đúng ý chỉ đạo của sếp". Chính vì vậy mà không xử lý được cán bộ khi họ không tham mưu.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cái chính của vấn đề là trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý người đứng đầu.

"Tổng kết lại xem chúng ta xử lý được bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện nhiệm vụ. Có bao nhiêu người đứng sang một bên khi không làm được việc? Đấy mới là điểm chính", đại biểu Tạ Văn Hạ nói./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chua-benh-so-sai-chung-ta-da-xu-ly-duoc-bao-nhieu-nguoi-dung-dau-co-bao-nhieu-can-bo-buoc-phai-dung-sang-1-ben-119230531133812699.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chua-benh-so-sai-chung-ta-da-xu-ly-duoc-bao-nhieu-nguoi-dung-dau-co-bao-nhieu-can-bo-buoc-phai-dung-sang-1-ben-119230531133812699.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chữa bệnh sợ sai: Chúng ta đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu cán bộ buộc phải đứng sang 1 bên?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO