Chú trọng liên kết, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Lê Dung| 09/02/2023 15:03

Là địa bàn trọng điểm về nông nghiệp, huyện Đắk Glong đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất. Trong đó, huyện chú trọng gắn kết khâu sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong, thời gian qua, huyện đã thực hiện việc quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất tập trung.

Đến nay, huyện đã cơ bản ổn định các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh gắn với lợi thế địa bàn. Huyện từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của huyện hiện nay vẫn là đầu ra cho các loại nông sản. Vì thế, huyện đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha hiện đang chuyên canh sản xuất các loại rau, củ, quả các loại, với tổng diện tích vào khoảng 150 ha. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 320 tấn sản phẩm.

Sản phẩm bắp sú sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha

Giám đốc HTX Đặng Ngọc Hương cho biết, hiện các sản phẩm rau, củ, quả VietGAP của HTX mới có khoảng hơn 20% vào hệ thống siêu thị, còn lại tiêu thụ ở các chợ đầu mối lớn tại TP. HCM, nhưng phải qua trung gian.

Vì vậy, thu nhập của bà con xã viên không cao. HTX mong muốn sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm.

HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sáng Farm, xã Quảng Sơn, hiện có tổng diện tích 80ha trồng các loại cây như: tiêu, sầu riêng, bơ, bưởi. Trong đó, diện tích bưởi VietGAP là hơn 10ha. Mỗi năm, HTX cung ứng gần 100 tấn bưởi các loại ra thị trường, với giá bình quân 15.000 đồng/kg.

Ông Ngô Xuân Hiếu, đại diện HTX cho biết, các sản phẩm nông nghiệp của HTX chủ yếu tiêu thụ rải rác tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đáng tiếc là sản phẩm chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn và xuất khẩu. Để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường, trong năm 2023, HTX sẽ đầu tư phát triển sản phẩm theo hướng chế biến sâu.

Nông sản được áp dụng sản xuất theo công nghệ cao nhưng gặp khó về thị trường tiêu thụ

Trong đó, bưởi sẽ được ép làm nước uống. Cùi bưởi được sấy khô để làm mứt hoặc tinh dầu. Bưởi non được kết hợp với cỏ ngọt để ủ làm trà túi lọc, tốt cho người bị mỡ máu… Các sản phẩm chuyên sâu này hứa hẹn sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận, thu nhập cho các xã viên.

Huyện Đắk Glong hiện có 1.500 ha cây công nghiệp, cây ăn quả được ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 6,8%.

Trong đó, diện tích sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Fair trade khoảng 850 ha; diện tích hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt khoảng 100 ha; diện tích cây ăn quả các loại ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP khoảng 78,5 ha.

Tuy nhiên, hiện nay có gần 95% sản lượng nông sản do nông dân làm ra đều bán cho tư thương. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do trong nước.

Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, huyện luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm tham gia các hội chợ, gian hàng OCOP của tỉnh.

Các sản phẩm đều thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo quy định, góp phần ngăn ngừa hàng nhái, hàng giả, tạo sức cạnh tranh, tăng độ tin cậy của người tiêu dùng.

Các kênh tiêu thụ khác cũng được huyện khai thác một cách triệt để. Trong đó có những kênh thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Qua đó mở ra cơ hội tiếp cận thị trường hiệu quả cho mặt hàng nông sản chất lượng cao của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng liên kết, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO