Kinh tế

Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, Đắk Nông: "Đội đá, vá trời" đưa gạo ngon nhất thế giới về cao nguyên M'nông

Đặng Văn Giàu 28/03/2023 14:38

Nói đến Krông Nô, không thể không nghĩ tới vùng đất của những vườn cà phê, hồ tiêu ngút ngàn… Thế nhưng, những năm gần đây huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) còn khiến cho không ít người ngạc nhiên với việc trồng thành công giống lúa ngon nhất thế giới - ST24, ST25.

giau1.jpg
bui-ngoc-son-pc-version03-16647347763251337020904.jpg

Tại sao không phải cà phê, ca cao, hồ tiêu… hay bất kỳ loại cây thế mạnh nào của Tây Nguyên mà Krông Nô lại chọn lúa ST24, ST25 – những giống lúa được "khai sinh"ở vựa lúa gạo Sóc Trăng thưa ông? Ai là người đem ý tưởng này về cao nguyên M'nông?

- Ai cũng nói, đưa giống lúa ST24, ST25 ngược dòng về Tây Nguyên là điều không tưởng nhưng chính quyền và người dân Krông Nô đã quyết tâm biến điều không thể thành có thể bắt đầu từ những năm 2011.

Ban đầu, chúng tôi sản xuất trên giống RVT và thành công ngoài mong đợi. Lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán tăng hơn 26 triệu đồng/ha/năm so với các giống lúa cũ. Sau đó, vào năm 2017, qua truyền thông chúng tôi biết đến giống lúa ST24 nổi tiếng của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua. Năm đó loại gạo này đã lọt top 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Lúc đó chúng tôi đã nghĩ tại sao không đưa loại lúa này về trồng trên cánh đồng VietGAP của mình.

Nghĩ thì dễ, đến khi bắt tay vào làm mới thấy khó. Vào năm 2018, khi giống RVT đã sản xuất gần 10 năm trên địa bàn huyện nên bị thoái hoá và nhiễm sâu bệnh, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện trồng khảo nghiệm 50 ha lúa ST 24 để thay thế. Lúc đầu, khi lên kế hoạch đưa giống lúa này "ngược dòng" về Tây Nguyên đã có rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Nói đâu xa, ngay trong đội ngũ cán bộ làm dự án cũng có người không tin tưởng. Thế nhưng, qua vài vụ, ST24 đã chứng minh sự sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt trên đồng đất Krông Nô. Thậm chí chất lượng gạo còn có những ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều so với các giống lúa sản xuất đại trà tại địa phương như RVT, Đài thơm 8…

h1.jpg

Vậy còn các cây chủ lực của nông nghiệp Tây Nguyên như cà phê, ca cao, hồ tiêu… vì sao lại không được Krông Nô đưa vào danh mục phát triển thưa ông?

- Đây chính là câu hỏi từng làm chúng tôi trăn trở. Tại thời điểm đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế của huyện. Krông Nô là huyện thành lập sau, cây công nghiệp phát triển sau các huyện bạn trong tỉnh Đắk Nông. Nếu chúng tôi chọn cây chủ lực là cà phê, hồ tiêu… làm tiền đề về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thì sẽ khó cạnh tranh với các địa phương lân cận đã đi trước. Trong khi đó các cây trồng này có chu kỳ canh tác dài ngày, thời gian khảo nghiệm phải mất từ 4 – 5 năm mới có thể có sản phẩm thô. Chính vì vậy, chúng tôi chọn lấy ngắn nuôi dài, tận dụng lợi thế địa phương, lấy lúa gạo làm tiền đề để phát triển.

Chúng tôi cũng khẳng định cà phê, ca cao và hồ tiêu trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều dư địa về thị trường cũng như chất lượng… Quan trọng nhất là chúng ta chọn hướng đi và cách làm như thế nào cho hiệu quả nhất.

Được biết Buôn Chóah – nơi thực hiện dự án trồng lúa ST24, ST25 nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang, nơi thời tiết vốn khắc nghiệt, mưa thì ngập lụt, mùa khô nắng nóng bỏng rát, tình trạng thiếu nước thường xuyên… Vậy, ông có cho rằng việc đưa giống lúa ST24 và ST25 của Sóc Trăng về trồng ở đây là một sự "đánh cược" với… "ông trời" không?

- Nói là "đánh cược" thì chưa đúng. Mặc dù khí hậu, thời tiết ở đây không thuận lợi nhưng khi bắt đầu thực hiện dự án chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra điểm khác biệt và tính đặc thù của vùng đất này. Điều đó có thể làm cơ sở giúp loại gạo ngon nhất thế giới có thể phát triển tốt ở đây.

Buôn Chóah được thiên nhiên ưu đãi là vùng bãi bồi ven sông, hàng năm vào mùa lũ, phù sa từ con sông Krông Nô vun đắp tạo lên lớp dinh dưỡng phì nhiêu cho cây trồng và đặc biệt là hàm lượng khoáng từ sự phong hoá của cao nguyên đá nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang. Vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt phơi lớp đá bọt trong 6 tháng chờ khi mùa mưa xuống, nước mưa có axit đã bào mòn lớp khoáng trên bề mặt cao nguyên đá bổ sung vào cánh đồng trên 750ha một lượng khoáng chất hữu cơ vô giá cho cây trồng. Đây là điều đặc biệt mà không có một vùng đất nào có được. Chính điều này đã giúp cho hạt gạo ST24, ST 25 sản xuất trên cánh đồng Buôn Chóah có đặc điểm khác biệt. Không những hạt nhỏ, trong, cơm đậm mà hàm lượng dinh dưỡng trong hạt gạo cũng vượt trội so với những loại gạo khác và cả chính giống lúa đó được trồng ở những vùng khác. Ngoài ra, cây lúa còn cứng, ít đổ ngã, năng suất cao hơn từ 1,5 đến 2 tấn lúa tươi so với các giống khác.

Từ chỗ vài chục ha khảo nghiệm ban đầu, đến nay diện tích lúa ST 24 và ST 25 đã chiếm trên 90% cánh đồng Buôn Choah và chiếm trên 50% diện tích lúa toàn huyện, với khoảng 2.500 ha/năm. Chúng tôi thực sự rất vui vì đã biến những điều không thể thành có thể.

h28.jpg
bui-ngoc-son2.jpg

Chúng ta đã nói về những khó khăn do địa hình, thời tiết. Còn nông dân địa phương, những người đã quen với tập quán canh tác cũ thì sao? Họ có nhiệt tình, có sẵn sàng thay đổi thói quen sản xuất không?

- Khoảng năm 2012, khi bắt tay vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn để làm tiền đề cho sự phát triển sau này, chúng tôi không chỉ gặp khó về địa hình, thời tiết mà lực cản lớn nhất chính là thay đổi tập quán canh tác của người dân nơi đây. Người dân Buôn Chóah nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung khi đó vẫn sản xuất lúa theo lối quảng canh, nhiều vùng còn chọc lỗ, tỉa hạt… Việc làm quen với phương thức sản xuất mới, bài bản, có ghi chép cẩn thận là vô cùng khó khăn. Rất nhiều người phản đối, nhất là bà con nông dân chưa tin tưởng, có người cho rằng chúng tôi mơ hồ, sai lầm, ảo tưởng khi muốn làm lúa VietGAP và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đặc biệt là đem giống lúa của tỉnh Sóc Trăng về đây trồng. Không những thế, hạ tầng khu vực này lúc bấy giờ chưa có, đường sá chưa được đầu tư… nên việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn gặp vô vàn khó khăn.

h3.jpg

Vậy địa phương đã làm cách nào để vượt qua những khó khăn này?

- Chúng tôi bắt tay vào xây dựng dự án từ con số không tròn trĩnh, với rất nhiều hoài nghi và khó khăn. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu áp dụng các chính sách và lồng ghép nhiều nguồn lực, kể cả nhân lực và vật lực nhằm đồng hành với bà con nông dân, từng bước vượt khó. Đầu tiên chúng tôi tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nội đồng, hỗ trợ kinh phí ban đầu cho bà con nông dân ứng dụng sản xuất; bao gồm toàn bộ kinh phí cấp chứng nhận VietGAP, 50% kinh phí mua giống, một phần vật tư phân bón cho người dân.

Đặc biệt, anh em chuyên môn ở Phòng NN&PTNT huyện phải cầm tay chỉ việc, cùng nông dân ra đồng, xuống ruộng, hướng dẫn họ làm sổ ghi chép nông hộ để theo dõi quá trình sản xuất; thực hành tập huấn ngoài cánh đồng… Đây là việc làm khó nhất vì bà con chỉ quen cầm cày cuốc, không quen cầm bút ghi chép bao giờ. Thế mới biết, để thay đổi một thói quen trong sản xuất quả là không dễ dàng.

Nhưng cuối cùng, sự thuyết phục mạnh mẽ nhất chính là năng suất, giá trị hạt gạo thu được trên cùng đơn bị diện tích. Bởi ngay trong vụ đầu tiên sản xuất đại trà, giá trị sản xuất lúa ST24, ST25 đã cao hơn các loại lúa khác từ 25 – 30 triệu đồng/ha. Đất đã không phụ lòng người, bà con Krông Nô rất phấn khởi và tự tin mở rộng diện tích sản xuất loại gạo ngon nhất thế giới này.

Vậy theo ông, điểm nhấn nào trong cách làm của địa phương đã giúp thuần hóa và tạo thương hiệu cho giống lúa này trên vùng đất Tây Nguyên?

- Tôi nghĩ đó là một trong những cách làm "không giống ai". Phát triển sản phẩm không phải là cây trồng chủ lực, chưa ai làm VietGAP trên cây lúa tại thời điểm đó, ý tưởng đầu tiên xây dựng "Nhãn hiệu hàng hoá tập thể lúa gạo Krông Nô". Không những thế để quản lý chất lượng, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập các HTX sản xuất tập trung và có sự liên kết. Hiện nay trên địa bàn xã Buôn Chóah có 2 HTX, đó là HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah và HTX nông nghiệp Buôn Chóah.

Những việc làm tưởng như "đội đá vá trời"ở thời điểm đó đã thành hiện thực.

h4.jpg
h5.jpg
bui-ngoc-son3.jpg

Cho đến thời điểm này, cây lúa ST24, ST25 đã khiến vùng đất Krông Nô thay đổi như thế nào thưa ông?

- Theo tôi thành công đầu tiên phải nói đến đó là sự thay đổi về nhận thức của cán bộ cũng như những người nông dân sản xuất lúa gạo trên địa bàn. Họ đã tiếp nhận kiến thức về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Từ chỗ được cầm tay chỉ việc, đến nay người nông dân đã chủ động được các khâu trong sản xuất, nhất là việc thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất, 80% công việc được cơ giới hoá, và từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thứ hai nó đã tạo ra sự liên kết trong sản xuất, hình thành các HTX sản xuất lúa gạo, ứng dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng; nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, ngày càng nhiều người dùng sản phẩm dịch vụ của HTX hơn, tạo sự thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

h6.jpg

Thứ ba, sau khi nhãn hiệu được chứng nhận thì thương hiệu lúa gạo Krông Nô ngày càng phát triển, đến nay hầu hết người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đều biết và tin dùng lúa gạo Krông Nô. Giá gạo bán lẻ hiện nay với giống ST24 là trên 22.000 đồng/kg, đối với giống ST25 là trên 26.000. Giá trị canh tác lúa thuần đạt gần 160 triệu đồng/1ha/năm. Sản phẩm lúa gạo Krông Nô đã tham gia sàn thương mại điện tử Postmart và OCOP… Nhờ vậy đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập tăng gấp 1,5 lần.

Cuối cùng, cũng nhờ dự án mà kết cấu hạ tầng nông thôn của xã Buôn Chóah được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông đầu tư thông suốt tạo điều kiện để lưu thông và trao đổi hàng hóa dễ dàng, thuận lợi…

h7.jpg
h8.jpg

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại go ST24 và ST25, thậm chí "cha đẻ" loi gạo này từng phải lên tiếng kêu cứu vì bị giả mạo thương hiệu. Vậy thì liệu gạo ST24, ST25 trên đất Tây Nguyên có thể tự tin để cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường không, thưa ông?

- Chúng tôi hoàn toàn tự tin với hai loại gạo ST24 và ST25 được trồng trên đồng đất Krông Nô, bởi chúng hội đủ các yếu tố để cạnh tranh với các loại gạo ST khác trên thị trường. Thứ nhất, vì sản phẩm của chúng tôi đã được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, gạo ST24 và ST25 đã có 2 đơn vị với 2 sản phẩm tham gia hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP của địa phương xã Buôn Chóah. Trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 Sao "Gạo RVT Krông Nô và ST24" do HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah sản xuất, 1 sản phẩm đạt 3 sao của HTX Nông nghiệp Buôn Choah, đây là lợi thế cạnh tranh rất cao.Thứ 3, chất lượng sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại Viện Dinh dưỡng, đặc biệt là sự khác biệt về dinh dưỡng và hương vị đặc trưng thơm ngon không nơi nào có được. Đó chính là những ưu đãi từ phù sa sông Krông Nô và hàm lượng khoáng từ sự phong hoá của cao nguyên đá nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang.

Cũng nhờ vậy mà hiện nay sản lượng gạo sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như TP Buôn Ma Thuột, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng…

h9.jpg

Trong thời gian tới, địa phương có những hướng đi gì để đưa dòng gạo ngon nhất thế giới vươn xa trên thị trường?

- Hiện nay, tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Krông Nô nói riêng đãcó nhiều chính sách đầu tư phát triển vào ngành nông nghiệp. Trong đó nhấn mạnh việc phát triển đảm bảo theo lợi thế và nhu cầu thị trường, phân loại thành 3 trục sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm". Bám theo định hướng này, Krông Nô cũng đặt mục tiêu sẽ từng bước nâng cấp sản phẩm gạo Buôn Chóah từ sản phẩm 3 sao lên 4 sao và từ sản phẩm 4 sao lên 5 sao. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, dẫn dắt nông dân tiếp cận nền sản xuất công nghệ cao đồng thời làm cầu nối với thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng dự kiến mở rộng vùng sản xuất để tăng quy mô diện tích và sản lượng, chế biến sâu nhưng giữ vững thương hiệu và chất lượng của lúa gạo Krông Nô; ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

h10.jpg

Đặng Văn Giàu thực hiện

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/chu-tich-ubnd-huyen-krong-no-dak-nong-doi-da-va-troidua-gao-ngon-nhat-the-gioi-ve-cao-nguyen-mnong-20221003012303052.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, Đắk Nông: "Đội đá, vá trời" đưa gạo ngon nhất thế giới về cao nguyên M'nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO