Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển

10/04/2023 13:09

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển - Ảnh 1.

Công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển

Ngày 10/4, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 2 phiên họp. 

Một là phiên họp thường kỳ tháng 4, phiên họp thứ 22 để tập trung cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hai là phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Phiên họp thứ 22 dự kiến được tổ chức trong 2 ngày với các nội dung chính sau.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV được tiến hành có tính chất hệ thống, bài bản, trên cơ sở Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 137 nhiệm vụ phải rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, không tính những việc bất thường. 

Đến nay đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, trong đó có 24 nhiệm vụ luật pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. 

Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát sẽ được tiếp tục đề xuất, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh này. Trong đó, có một dự án luật theo  theo sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội là dự án Luật Bản dạng giới do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề xuất. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với những dự án luật đã được Quốc hội khóa trước cho ý kiến nhưng chưa đưa vào chương trình, lần này tiếp tục cho ý kiến xem xét có đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hay không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển - Ảnh 2.

Liên quan đến công tác giám sát, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở và y tế dự phòng”. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ đề rất quan trọng đã được Quốc hội quyết định là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao sẽ báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến chuẩn bị để báo cáo với Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội lựa chọn quyết định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024. Chủ tịch Quốc hội làm rõ quy trình lựa chọn chuyên đề giám sát, trên cơ sở đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội và qua theo dõi tình hình thực tiễn đề xuất nhiều chuyên đề khác nhau, Tổng Thư ký sẽ lựa chọn khoảng 7 chuyên đề, xếp theo thứ tự ưu tiên và trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chọn 5 trong 7 chuyên đề này. 

Từ đó sẽ trình ra Quốc hội xem xét để quyết định lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao và 2 chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Nêu rõ, quy trình lựa chọn chuyên đề giám sát đến nay đã được thực hiện một cách bài bản, đúng quy định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ tìm ra trọng tâm, trọng điểm cho đúng, cho trúng trong năm tới, nhất là những vấn đề chúng ta có thể thúc đẩy những vấn đề thực tiễn hiện nay để tháo gỡ những điểm nghẹn, những vướng mắc. Với tinh thần "công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 4 và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4 chủ yếu làm công tác nhân sự, dù chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm về kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển - Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 5: Quốc hội dự kiến thông qua 7 dự án luật và 5 nghị quyết

Đối với kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là kỳ họp hết sức quan trọng, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội với nhiệm vụ lập pháp nặng nề. 

Theo đó, tại Kỳ họp tứ 5, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 7 dự án luật và 4 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật và 01 nghị quyết chung của kỳ họp. 

Đối với những dự án trình Quốc hội thông qua đã có 6 dự án luật được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Sau kỳ họp, các cơ quan đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Về cơ bản, các nội dung đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra được đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao và cho tiếp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện. 

Một dự án luật khác dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là sẽ được thảo luận lần thứ 2 sau khi chúng ta tiếp thu hoàn thiện theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và qua tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, ý kiến của cử tri. 

Đối với nội dung này quan trọng nhất là vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Như vậy, tổng số dự án Quốc hội sẽ xem xét là 20, gấp đôi so với những kỳ họp bình thường. 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kĩ lưỡng các nội dung, công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung, những việc không đảm bảo được chất lượng, không đảm bảo được quy trình vẫn phải bỏ lại.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, Kỳ họp thứ 5 sẽ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề rất quan trọng khác. Dự kiến thời gian của kỳ họp này cũng khá dài. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về cách bố trí thời gian, cách thức tổ chức kỳ họp để có được kết quả tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển, công tác giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển". Ảnh Quochoi.vn

Dần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật vào nề nếp

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Một là, xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản pháp luật của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội, tại phiên họp tháng 4 hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát thường xuyên này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sai phạm cụ thể một việc nào đó chúng ta xử lý rất nghiêm, rất kịp thời và rất nặng nhưng đôi khi ban hành một văn bản sai gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ra ách tắc các vấn đề thì chưa được đánh giá kỹ lưỡng và xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Trước đây chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật, giám sát chung của Viện kiểm sát. Công tác rà soát văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp. Từ phía Quốc hội từ trước đến giờ không có văn bản hướng dẫn. Do đó, việc ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 được coi như bộ cẩm nang để hướng dẫn vấn đề này. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị là sử dụng kết quả rà soát của các cơ quan có liên quan như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức cơ quan hữu quan, Tòa án, Viện kiểm sát và của Bộ Tư pháp để có báo cáo tổng thể và dần đưa kết quả này vào nề nếp, tăng cường hơn nữa việc hoàn thiện và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. 

Trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Chính phủ đã có những đề xuất cụ thể. 

Để cho việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi áp dụng quy định, danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng. tác động của việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực này như thế nào. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của doanh nghiệp cần được cho ý kiến kỹ lưỡng.

Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ hiện nay khối lượng công việc rất nhiều, có những Ủy ban trong kỳ này phải cùng một lúc thẩm tra đến 5, 6 dự án luật, có những dự án luật hiện nay ý kiến còn khác nhau. 

Khi đó có những nội dung giao cho đúng cơ quan, đúng chức năng thì quá tải nên cần cân nhắc đề giao cho cơ quan phụ trách để vừa đảm bảo được tính chuyên môn vừa điều hòa được công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bốn là, theo thường lệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3. 

Đây là phiên họp cận kề với kỳ họp Quốc hội tới, cho nên công tác dân nguyện cũng là một bước rất quan trọng để chuẩn bị cho báo cáo về công tác dân nguyện sẽ trình bày tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-cong-tac-lap-phap-cong-tac-giam-sat-deu-la-de-kien-tao-phat-trien-119230410130926138.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-cong-tac-lap-phap-cong-tac-giam-sat-deu-la-de-kien-tao-phat-trien-119230410130926138.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác lập pháp, công tác giám sát đều là để kiến tạo, phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO