Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp giải phóng phụ nữ
90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta đã tiến một bước dài chưa từng có. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người chiến sĩ tiên phong vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã lập nên rất nhiều thành tích, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tiếp thu chủ nghĩa Marx - Lenin về đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi áp bức bóc lột của chế độ tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người chiến sĩ tiên phong vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922 ở Pháp, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa”. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Người dẫn lại lời Karl Marx: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”, và lời V.I. Lenin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Trong văn kiện thành lập Đảng tháng 2-1930, Người đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội là “Thực hiện nam nữ bình quyền”.
Tuy nhiên, phải giành cho được độc lập, tự do cho dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”.
Từ năm 1930 đến 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã được giác ngộ cách mạng và các tổ chức phụ nữ dần hình thành. Từ năm 1936 đến 1938, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 8-1937) về công tác vận động phụ nữ, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội Phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ. Giai đoạn 1939 - 1941, trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội chủ trương đổi tên thành Hội Phụ nữ Phản đế. Từ năm 1941 đến 1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh. Và phụ nữ Việt Nam đã trở thành bộ phận quan trọng trong lực lượng hùng hậu của cách mạng, có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Từ nhận thức về vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn người phụ nữ. Người nhận định: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”. Bởi vậy, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta đã công bố ngày 2-9-1945, Người không trích dẫn nguyên văn từ bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “That all men are created equal”, nghĩa là “Mọi nam giới sinh ra đều bình đẳng”. Còn Người thì viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Vào ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập nhằm mục tiêu đấu tranh tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng nghìn, hàng vạn các mẹ, các chị cầm vũ khí trực tiếp tham gia giết giặc lập công. Ngoài những nữ chiến sĩ trong hàng ngũ các đơn vị chính quy, binh chủng và đơn vị kỹ thuật, còn có đông đảo phụ nữ tham gia chiến đấu trong phong trào dân quân, du kích, thanh niên xung phong ở khắp mọi nơi. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), cả nước có đến 980 nghìn nữ du kích. Trong đó, 12 nữ du kích được tặng danh hiệu Anh hùng như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu... Từ năm 1950 đến 1954, nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều kỳ tích chói lọi. Ra đời từ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (1960), “Đội quân tóc dài” - một “Binh chủng đặc biệt” của nữ giới, đã phát triển lan rộng khắp miền Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Các nữ anh hùng, nữ dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam đã đánh giặc bằng đủ các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, lập nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu là các nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch; các nữ liệt sĩ Tô Thị Huỳnh, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm; tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã dũng cảm chiến đấu, đánh lui một tiểu đoàn địch trong chiến dịch Mậu Thân 1968...
Ở miền Bắc, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, đông đảo phụ nữ miền Bắc đã tham gia các lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu ở khắp nơi, từ miền xuôi đến miền núi. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Ba đơn vị nữ được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng là Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa); Tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Năm 1965, lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước” thành lập ở miền Bắc với nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Hơn sáu vạn nữ thanh niên đã tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm đánh phá ác liệt như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), phà Bến Thủy (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang”. Đảng và Bác cũng khen tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Ngày 9-3-1961, nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng và Chính phủ khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”.
* Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
* Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.