Trồng dưa lưới trong nhà lồng đang là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu tại huyện Chư Sê. Những vườn dưa lưới được trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, kết hợp ứng dụng các công nghệ chăm sóc tự động đang mang đến những sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn ở thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê là một trong những nông dân đi đầu trong phát triển mô hình này tại địa phương. Từ một vài nhà lồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, gia đình anh đã mở rộng được 6 nhà lồng trồng dưa với nhiều giống như: dưa lưới Huỳnh Long, dưa lưới King ruột xanh, dưa lưới đài Nasu, dưa lưới mật…Các vườn dưa lưới của gia đình anh được trồng và cho thu hoạch quanh năm, đã được một doanh nghiệp tại địa phương liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế gia đình anh Nguyễn Trọng Tuấn cũng nhờ đó mà dần ổn định, với thu nhập tăng gấp 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu mà trước đây gia đình làm.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn – Thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê nói: “Mình vừa làm vừa học hỏi. Ban đầu cũng phải học hỏi nhiều lắm, nhưng trong quá trình vừa làm mình vừa đúc rút kinh nghiệm thì đến bây giờ cũng nắm được 80 đến 90% kỹ thuật rồi. So với các loại cây trồng khác thì nó ổn định hơn, nhanh cho thu hoạch hơn, một vụ sản xuất chỉ khoảng 3 tháng là có thu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội. Để ổn định về tiêu thụ thì mình cũng ký kết với công ty để bao tiêu sản phẩm.”
Trong vài năm trở lại đây, huyện Chư Sê đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Qua đó đã làm gia tăng đáng kể hiệu quả sản xuất. Hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Chư Sê đạt 1 nghìn 514,8 ha, chiếm khoảng 4% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện, tăng gấp đôi so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Sê (khóa IX) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Chư Sê cũng đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với một số loại cây trồng như: Cây dược liệu, rau, củ, quả, cây ăn quả có múi, hồ tiêu, cà phê; trồng dâu nuôi tằm…Trong đó, trồng dâu nuôi tằm là một trong những lĩnh vực sản xuất mới, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và có triển vọng cao về tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Viết Chanh – Thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê chia sẻ: “Trồng dâu nuôi tằm bây giờ giá cao, ổn định hơn các loại cây trồng khác. Thời gian nuôi cũng ngắn nên nhanh xoay vòng. Giá cả ổn định nên bà con thấy thu nhập hàng tháng khá ổn. Bên cạnh đó, ở đây có doanh nghiệp thu mua, họ cung cấp giống cho mình luôn nên hai bên đều có lợi hết.”
Song song với việc hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tập trung, huyện Chư Sê cũng đang tăng cường triển khai các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiện đã có 4 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án đang xin ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; 3 dự án đang nghiên cứu đề xuất triển khai thực hiện. Đây chính là tiền đề quan trọng để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có sản lượng, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê trao đổi: “Chư Sê đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung và các chuỗi liên kết sản xuất, giúp bà con từ sản xuất đến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, đã triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất, phẩm chất của các sản phẩm từ đó đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu. Diện tích ứng dụng công nghệ cao được tăng lên 4% so với tổng diện tích gieo trồng toàn huyện.”
Tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp của huyện Chư Sê, đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Cũng chính nhờ đó các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như hồ tiêu, cà phê, cao su, dược liệu, cây ăn quả…đã trở thành những sản phẩm hàng hóa lớn, có bước tăng trưởng mạnh, tạo dựng được uy tín trên thị trường.