Chữ hiếu thời nay
Chữ hiếu thời nay bị thách đố khi nó đang trải qua nền kinh tế thị trường. Nhưng với những người con hiếu thảo, việc báo hiếu không phải là điều gì quá khó khăn...
Gần gũi, sẻ chia
Với các bậc cha mẹ, hạnh phúc nhất là nhìn thấy những đứa con của mình nên người. Việc báo hiếu, đối với cha mẹ, họ không cần những món quà to tát, mà đôi khi chỉ là những hành động nhỏ trong cuộc sống đời thường.
Hơn 5 năm nay, sáng nào chị Lê Thị Tương, thị trấn Đức An (Đắk Song), cũng dậy từ sớm để chăm sóc mẹ chồng ngoài 70 tuổi. Công việc của chị là đun nước rửa mặt, vệ sinh cá nhân và cho mẹ ăn sáng.
Các buổi trưa, chiều, chị Tương thường chuẩn bị cơm sớm để cụ ăn, nghỉ ngơi đúng giờ. Những lúc mẹ ốm đau, vợ chồng chị đều thức cả đêm chăm sóc.
“Bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ, mình đều phải thương và làm tròn bổn phận làm con. Miễn sao các cụ khỏe, vui là vợ chồng tôi mừng lắm rồi”, chị Tương chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hường, TP. Gia Nghĩa, lấy chồng về TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần về thăm mẹ đẻ, chị đều biếu cân cam, hộp yến. Đôi khi, vài thang thuốc bổ hay hộp dầu để mẹ xoa bóp xương khớp mỗi khi thời tiết thay đổi.
Vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, lễ Vu lan, chị biếu mẹ chiếc khăn quàng, đôi dép hoặc chút tiền nhỏ để mẹ tiêu xài hằng ngày.
“Cả cuộc đời ba mẹ vất vả vì con. Đồng quà, tấm bánh chỉ là những thứ rất đơn giản. Nó không thể đền đáp hết công lao trời biển của đấng sinh thành. Vậy nhưng, nếu thường xuyên được các con quan tâm, sẻ chia, động viên, các cụ sẽ vui hơn nhiều”, chị Hường bộc bạch.
Chia sẻ về niềm vui tuổi già, bà Nguyễn Thị Đoàn, 70 tuổi, ở Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho hay: “Được nói chuyện với các con, cháu hàng ngày là hạnh phúc nhất. Với cái tuổi gần đất xa trời này, vật chất không còn là nhu cầu chính, mà tinh thần là điều quan trọng nhất”.
Sống tốt và hạnh phúc
Xã hội ngày nay, không phải người con nào cũng được sống, làm việc gần bố mẹ. Có những phận con phải đi công tác, làm việc xa nhà. Việc trò chuyện, chia sẻ với bố mẹ không phải khi nào cũng được thường xuyên.
Trong xã hội, biết bao cha mẹ không cần các con hi sinh lựa chọn vì chữ hiếu. Bởi vì, con cái mình thành đạt, trưởng thành, hòa thuận đó chính là sự báo hiếu ý nghĩa nhất.
Nói về chữ hiếu, bà Trần Hồng Hạnh, 52 tuổi (Gia Nghĩa) cho rằng, con cái ở đâu cũng được, miễn con sống tốt, hạnh phúc với lựa chọn đó.
“Bậc làm cha mẹ như chúng tôi hiện còn sức lao động, còn có thể kiếm tiền, chưa cần đến lúc các con phải kề bên cạnh”, bà Hạnh chia sẻ.
Định nghĩa thế nào là chữ hiếu, chị Đặng Mai Nhung (Gia Nghĩa) cho rằng, trước tiên con cái phải sống tốt, hạnh phúc. Vật chất, tinh thần đủ đầy để không cầu cạnh, làm những việc khiến cha mẹ phiền lòng.
“Chữ hiếu rất vô vàn, không liên quan đến chuyện ở gần hay xa. Điều quan trọng hơn hết, giữa con cái và bố mẹ phải có sự quan tâm, yêu thương, kết nối”, chị Nhung cho biết.
Còn anh Nguyễn Quốc Nam, làm việc tại TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), đã xa cha mẹ gần 2 năm nay. Theo anh Nam, quan niệm của cha mẹ anh là chỉ cần con cái sống vui vẻ, hạnh phúc, tự lo cho bản thân tốt xem như là báo hiếu rồi.
“Công việc phải xa nhà, có khi cả năm mới gặp được bố mẹ. Dù vậy, cha mẹ vẫn ủng hộ quyết định của tôi. Ngoài việc sống thật tốt, tôi thường xuyên dành cho các cụ những món quà ý nghĩa nhất”, anh Nam tâm sự.
Giữ gìn nét văn hóa Việt
Theo các chuyên gia tâm lý, việc báo hiếu là nét đẹp đạo lý từ thời xa xưa của gia đình người Việt. Thông thường, hành động báo hiểu thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Lòng hiếu thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức, mà còn có tác dụng giáo dục, noi gương cho con, cháu làm theo.
Xét từ nhiều khía cạnh, chữ hiếu không chỉ là mối liên hệ giữa con cái với cha mẹ lúc ở gần. Lòng hiếu thảo còn thể hiện mối quan hệ với người thân, dòng họ, những người lớn tuổi xung quanh. Mỗi người sống tốt, biết chăm lo cho con, cháu cũng là thể hiện cái hiếu đối với ông bà, tổ tiên.
Tuy nhiên, trước những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, đôi khi chữ hiếu trong một số gia đình bị che lấp, nhạt nhòa. Thực tế, vẫn có nhiều người ông, bà, người cha, người mẹ sống bên cạnh con cái, nhưng không ít lần khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn.
Thậm chí, có những trường hợp con cái ngược đãi, lăng mạ, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà vì coi là gánh nặng. Đó là những tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận gia đình trong xã hội hiện đại.
Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”. Báo hiếu với đấng sinh thành, mỗi người có một cách riêng. Đó không chỉ là sự bù đắp cho cha mẹ đủ đầy về vật chất, mà quan trọng nhất vẫn là quan tâm, chia sẻ bằng những gì bình dị, chân thành nhất.