Chính trị

Chủ động vươn lên, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo

Trọng Nghĩa 08/02/2024 06:00

Cấp ủy các cấp của Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó tập trung công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), nâng cao mức sống người dân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

ADQuảng cáo

Phát huy vai trò tổ chức đảng, đảng viên

Theo đồng chí Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, nhất là giảm nghèo trong ĐBDTTS, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm cho người lao động... Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức vượt khó, ý chí vươn lên giảm nghèo cho người dân cũng được chú trọng. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân Quảng Trực đã đưa cây mắc ca vào trồng và xem đây là cây giảm nghèo hiệu quả. Đến nay, toàn xã phát triển hơn 1.300ha mắc ca, chiếm gần 2/3 diện tích mắc ca của huyện Tuy Đức.

img_1452(1).jpg
Cán bộ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế, giảm nghèo trong Nhân dân

Đồng chí Đoàn Lê Anh cho biết: “Một trong những tín hiệu đáng mừng nhất đó là người dân đã thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Trước đây, bà con ĐBDTTS còn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước về cây, con giống, vật tư, phân bón. Nhưng hiện nay, bà con đã chủ động đi mua cây giống về trồng, vay vốn đầu tư chăm sóc nên chất lượng cây trồng được nâng lên đáng kể. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình 5 - 6%/năm, hộ nghèo DTTS giảm 4 - 5%/năm. Riêng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 19,7%, xuống còn trên 46%”.

Không riêng xã Quảng Trực, công tác giảm nghèo bền vững luôn được Đảng bộ huyện Tuy Đức xác định là điều kiện quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tuy Đức ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước mà Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra. Thực hiện mục tiêu này, Huyện ủy đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về giảm nghèo bền vững phù hợp với đặc thù địa phương, tình hình dân cư.

Trong đó, điển hình là Nghị quyết số 06 về công tác giảm nghèo bền vững 6 bon ĐBDTTS tại chỗ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Nghị quyết số 06, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách giảm nghèo ở 6 bon. Đồng thời, mỗi tổ chức cơ sở đảng phụ trách bon, hộ và nhóm hộ có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân đề xuất giải pháp hỗ trợ thoát nghèo phù hợp.

Năm 2021, huyện Tuy Đức giảm 1.424 hộ nghèo, trong đó, ĐBDTTS 902 hộ, ĐBDTTS tại chỗ 269 hộ. Năm 2022, Tuy Đức giảm 1.340 hộ nghèo, trong đó, ĐBDTTS 680 hộ, ĐBDTTS tại chỗ 397 hộ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện chiếm 30,78%"

Ngoài ra, Huyện ủy chỉ đạo các cấp, ngành huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, vận dụng linh hoạt các chương trình mục tiêu quốc gia trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững của huyện đạt nhiều kết quả tích cực.

Đa dạng hình thức giúp bà con thoát nghèo

Ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước là mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định. Để thực hiện mục tiêu này, Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 04, ngày 11/11/2020 về tăng cường công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025.

img_6226(1).jpg
Trồng dâu nuôi tằm là mô hình xóa nghèo được nhiều người dân ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong lựa chọn trong vài năm trở lại đây

Xã Quảng Hòa, theo đồng chí Nguyễn Tôn Đông Khoa, Bí thư Đảng ủy xã, toàn xã hiện có 1.500 hộ dân với 8.400 khẩu, trong đó ĐBDTTS chiếm trên 90%. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, địa phương đã tích cực vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các loại cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; tái canh cây cà phê; trồng dâu nuôi tằm...

Đồng chí Khoa cho biết: “Việc định hướng, giúp bà con nhận diện được cây trồng thế mạnh, chủ lực, lấy ngắn nuôi dài trong phát triển kinh tế rất quan trọng. Từ đó, bà con tự giác, năng động hơn trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Với sự nỗ lực của xã và ý chí vượt khó vươn lên của Nhân dân, năm 2022, toàn xã còn 42% hộ nghèo thì đến cuối năm 2023 dự kiến còn trên 30% hộ nghèo”.

Theo đồng chí Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, để giúp bà con giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hỗ trợ sinh kế giúp các hộ dân là ĐBDTTS có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Trong đó phải kể đến mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây dược liệu, nuôi dê và thỏ.

Đến hết năm 2023, toàn huyện Đắk Glong đã giảm được hơn 12,2% hộ nghèo chung, là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như trồng trọt, thú y, sửa chữa nông cụ… cũng được chú trọng. Ngoài ra, địa phương đã triển khai, phát huy hiệu quả nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Khơi dậy ý thức thoát nghèo cho bà con

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Tây Nguyên, Tỉnh ủy Đắk Nông đã triển khai, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác giảm nghèo bền vững, nhất là trong ĐBDTTS được coi là nhiệm vụ căn cơ, cần tập trung thực hiện quyết liệt.

img_5667(1).jpg
Người dân xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong vươn lên thoát nghèo từ mô hình đa cây, đa con vừa phát triển cà phê, tiêu, dứa và chăn nuôi

Ngay sau Đại hội XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 31/8/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS giai đoạn 2021 - 2025. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 13- NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 11,19%, trong đó, hộ nghèo ĐBDTTS tại chỗ chiếm 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 7,97%, hộ nghèo ĐBDTTS tại chỗ 24,56%. Năm 2023, qua rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo chung còn trên 5,1%, hộ nghèo ĐBDTTS tại chỗ là trên 16%.

Trên cơ sở đó, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phân công theo dõi, giúp đỡ đoàn viên, hội viên người ĐBDTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; lồng ghép nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể.

bac-muoi.png

Thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, nhất là trong ĐBDTTS. Việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp đến các hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động vươn lên, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO