Chủ động thích ứng quy định chống mất rừng

ĐINH SỸ TẠO| 08/05/2025 21:59

Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định về chống mất rừng (EUDR), áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, gồm: Cà-phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt gia súc, ca cao và đậu. Theo đó, EUDR sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 30/12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trước đó, quy định đến ngày 31/12/2024).

Phần lớn diện tích cà-phê xuất khẩu của tỉnh Gia Lai nằm ở Phần lớn diện tích cà-phê xuất khẩu của tỉnh Gia Lai nằm ở "vùng an toàn" so với quy định của EU.

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng mất và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được quá trình sản xuất không gây mất rừng hoặc không gây mất rừng trong suốt chuỗi cung ứng.

Gia Lai là tỉnh có nhiều diện tích rừng, là vùng trồng cà-phê lớn của cả nước, với diện tích khoảng 105.840 ha; xuất khẩu cà-phê, cao su đã mang lại giá trị lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bởi vậy việc thích ứng với quy định của EU về chống mất rừng đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2199/KH-UBND ngày 25/9/2024 về Kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng trên địa bàn tỉnh; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các sở, ngành triển khai thực hiện. Thành lập nhóm Công tác công tư cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, như nhóm công tác ngành hàng gỗ và lâm sản, cà-phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su...; triển khai các hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR...

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như USDA Hoa Kỳ, EU Organic, UTZ, BRC, Japan Organic cùng các chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín toàn cầu như: 4C, UTZ, BRC. Năm 2024, công ty là doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu cả nước về mặt hàng cà-phê với hơn 500 triệu USD. Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty cho biết: "Vĩnh Hiệp cam kết sẽ tuân thủ EUDR, bảo đảm không bị gián đoạn nguồn cung cấp cà-phê đến các nhà thương mại, nhà rang xay lâu nay đã tin tưởng sử dụng cà-phê của tỉnh Gia Lai. Để thích ứng với EUDR, chúng tôi đề nghị cần có buổi làm việc cụ thể của các doanh nghiệp xuất khẩu với các sở, ngành về vấn đề triển khai các thủ tục theo quy định này".

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, EUDR không chỉ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, mà quan trọng hơn là yêu cầu các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam; bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động… Điều này có nghĩa hàng nông sản tại tỉnh phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, trong đó có ngành hàng cà-phê. Ngành hàng cà-phê ở Gia Lai có quy mô nhỏ lẻ với khoảng 85% diện tích do nông hộ quản lý, cho nên vấn đề định vị vườn trồng, truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Hoài - chủ doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ tại Gia Lai nhận định, quy định này của Liên minh châu Âu nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, biến đổi khí hậu và phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp cần thẩm định kỹ nguồn nguyên liệu, không mua gỗ từ những "đầu nậu" khai thác bất hợp pháp, lấn chiếm rừng. Theo ông Trương Thanh Hà - Quyền Chi cục trưởng Kiểm lâm Gia Lai, tỉnh có diện tích rừng lớn, là vùng nguyên liệu quan trọng của Tây Nguyên với nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ. Do đó, để tránh bị trả hàng hay vi phạm hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ EUDR. Chuỗi cung ứng gỗ và nông sản xuất khẩu gồm các bước: Trồng rừng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào châu Âu phải bảo đảm sản xuất tuân thủ pháp luật.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã chủ động rà soát chuỗi cung ứng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ, những người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Tập trung ưu tiên việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững. Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Phạm Văn Binh khẳng định: Đối với cà-phê, các doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu bền vững với hơn 60.000 ha cà-phê đạt chuẩn. Đến thời điểm này, phần lớn cà-phê của tỉnh nằm ở "vùng an toàn" so với quy định của EU.

Những năm qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng. Nếu như năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, thì đến năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 685 triệu USD (đạt 80% kế hoạch, tăng 55,8% so cùng kỳ năm trước). Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như: cà-phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ... Trong đó thị trường châu Âu chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhằm thích ứng Quy định không gây mất rừng của châu Âu, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR. Thường xuyên cập nhật các tài liệu, văn bản về cơ chế, chính sách của Trung ương, các bộ, ngành và Ủy ban Liên minh châu Âu có liên quan để kịp thời chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào thị trường EU; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức về tính hợp pháp trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông-lâm sản. Xây dựng và triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng, có gắn với tọa độ địa lý tích hợp mã số vùng trồng của từng vườn đối với ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, sống ở khu xen kẽ, tiếp giáp rừng, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục khẳng định phát triển nông, lâm nghiệp bền vững là thế mạnh, nền tảng ổn định lâu dài...

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tập trung tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu uy tín, đưa mặt hàng bảo đảm uy tín, đáp ứng EUDR để tiến vào các thị trường lớn trên thế giới.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chu-dong-thich-ung-quy-dinh-chong-mat-rung-post878368.html
Copy Link
https://nhandan.vn/chu-dong-thich-ung-quy-dinh-chong-mat-rung-post878368.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Chủ động thích ứng quy định chống mất rừng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO