Vụ hè thu năm 2021, nông dân trên toàn tỉnh đã xuống giống hơn 23.800 ha ngô. Hầu hết diện tích ngô đang trong giai đoạn phát triển. Hiện nay, đối với trà ngô muộn, sinh trưởng mạnh về thân, lá. Trà ngô sớm thì bước vào giai đoạn chuẩn bị trổ cờ, phun râu.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Krông Nô bám sát ruộng ngô để theo dõi SKMT |
Trong giai đoạn này, cây ngô rất dễ bị SKMT tấn công, gây hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Loại sâu này là sinh vật ngoại lai, xuất hiện tại nước ta khoảng 2 năm nay.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), SKMT có những đặc điểm: Hình thù giống chữ Y ngược; lưng có 4 chấm đen, 3 sọc màu sáng, nhiều lông. Sâu non thường ăn biểu bì của lá ngô non, sâu lớn ăn khuyết lá, bẹ lá. Giai đoạn ngô trổ cờ, phun râu, sâu ăn râu, cờ và chui vào quả gây hại. |
Nhằm chủ động phòng, chống SKMT, ngành Nông nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, các địa phương đang tăng cường phối hợp đánh giá, dự báo, cảnh báo các đối tượng sâu hại trên diện tích ngô.
Krông Nô là địa bàn có diện tích ngô lớn nhất tỉnh trong vụ hè thu, với khoảng 11.000 ha. Hiện tại, một số diện tích ngô trên địa bàn huyện đang xuất hiện SKMT, với mật độ 3-5 con/1m2.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô, cán bộ phụ trách nông nghiệp các xã, thị trấn đang tích cực bám sát đồng ruộng để chủ động dự báo, dự tính cụ thể về SKMT.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp huyện có thể đánh giá chính xác về tình trạng SKMT, đưa ra các biện pháp hướng dẫn người dân phòng, chống hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra đối với cây ngô.
Ông Vũ Hoàng Phú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Krông Nô cho biết, SKMT mới xuất hiện rải rác, chưa gây hại nhiều, nên chưa cần xử lý mạnh về thuốc bảo vệ thực vật.
Đơn vị đang bám sát từng địa bàn để theo dõi, dự báo tình hình. Nếu có nguy cơ cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đơn vị sẽ triển khai xử lý nhanh, bảo đảm không để lây lan ra diện rộng.
Đơn vị đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân tích cực thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh, tiêu diệt bằng phương pháp thủ công, dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Nếu không chủ động trong phòng trừ, SKMT sẽ gây thiệt hại rất lớn đến năng suất ngô vụ hè thu |
Huyện Cư Jút cũng là địa bàn có diện tích ngô vụ hè thu lớn, trên 5.600 ha. Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, SKMT chưa gây hại trên cây ngô của người dân.
Huyện đang hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống loại sâu này, trong đó chủ yếu vẫn là thăm đồng, phát hiện sớm để xử lý nhanh ban đầu, không để lây lan.
Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết, đơn vị đã có văn bản yêu cầu phòng nông nghiệp - PTNT các huyện, thành phố tăng cường theo dõi, phòng, chống SKMT hại cây ngô.
Trong đó, biện pháp chính vẫn là bám cơ sở, theo dõi, điều tra, dự báo chính xác mật độ, độ tuổi của sâu. Từ đó, các địa phương có phương pháp cụ thể để hướng dẫn người dân phòng, chống hiệu quả.
Lực lượng chuyên môn cần bám sát quy trình phòng, chống SKMT do Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành để triển khai phù hợp thực tế từng vùng, từng giống ngô.
Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học để diệt SKMT, người dân phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gồm: Đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng thời điểm; đúng cách.