Chủ động phòng ngừa sâu hại vụ đông xuân

Văn Tâm| 27/12/2021 09:05

Hiện nay, ngoài việc tranh thủ làm đất, gieo sạ đúng tiến độ, bà con còn chủ động trong khâu phòng trừ sâu hại ngay từ đầu vụ đông xuân, đây là yếu tố quyết định đến năng suất, hiệu quả cây trồng.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Võ Quang Lâm, ở xã Nam Đà (Krông Nô), vụ này gieo sạ hơn 3 sào lúa. Trong mấy ngày qua, ông Lâm đã tiến hành cày lật đất, dọn sạch bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư cây trồng… để cắt đứt nguồn bệnh lây sang vụ mới.

Ông Lâm cho biết: “Bước vào vụ mới, tôi cải tạo đất bằng cách dùng vôi bột, các loại chế phẩm sinh học để xử lý trước khi gieo cấy. Điều này giúp cây trồng sinh trưởng khỏe hơn, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại”.

Hiện nay, ngoài diện tích trà lúa xuân sớm, trà lúa chính đang được người dân tiến hành xuống giống. Những ngày qua, tại một số địa phương, nhiều hộ dân đã tích cực ra đồng để theo dõi, phát hiện sâu bệnh, chuột cắn phá cây trồng.

Theo Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân này, toàn huyện xuống giống 4.270 ha cây trồng ngắn ngày. Trong đó, diện tích lúa 1.945 ha, ngô 1.326 ha, khoai lang là 531 ha, còn lại rau xanh…

Nông dân xã Đắk D’rô (Krông Nô) gieo sạ lúa đông xuân sớm

Với diện tích cây ngắn ngày lớn, đa dạng về chủng loại, nên việc quản lý dịch bệnh được nông dân và các cấp, ngành trên địa bàn huyện đặt lên hàng đầu. Trong đó, huyện tập trung ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ đầu vụ.

Còn tại huyện Cư Jút, những ngày qua, ngành Nông nghiệp huyện giám sát, theo dõi tiến độ sản xuất. Ngành chuyên môn vận động người dân làm đất tập trung, trong thời gian ngắn, nhằm tránh thất thoát nước.

ADQuảng cáo

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, đối với những diện tích mà nguồn nước thiếu hụt qua nhiều năm, địa phương kiên quyết không cho cấy lúa, chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu về nước ít hơn. Những chân ruộng cao, xa kênh tưới, khó lấy nước cũng không gieo cấy.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, nhân rộng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng, sử dụng giống chống chịu sâu bệnh.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", không lạm dụng thuốc, phân bón để nâng cao năng suất cây trồng.

Trong sản xuất, ngành Nông nghiệp khuyến khích nhà nông nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Các địa phương cũng phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, tập trung theo dõi các đối tượng sâu hại trên cây trồng, kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý.

Các đơn vị bảo vệ thực vật cần đặc biệt chú trọng phòng ngừa các loại sâu hại trên cây ngắn ngày như đạo ôn, khô vằn, bọ trĩ, rầy nâu trên cây lúa; khô vằn, sâu keo mùa thu trên ngô; bệnh héo rũ, lở cổ rễ trên các loại đậu…

Cũng theo bà Tình, vụ đông xuân hằng năm đều có diễn biến thời tiết, khí hậu phức tạp, chủ yếu là nắng nóng, hạn hán, thiếu nước tưới. Do đó, ngành Nông nghiệp, các đơn vị chức năng cần chủ động ứng phó từ các khâu, nhất là về nguồn nước tưới. Từ đó, bảo đảm an toàn sản xuất cho người dân.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp, vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh xuống giống trên 11.692 ha cây trồng ngắn ngày các loại. Trong đó, diện tích lúa là 4.708 ha, ngô là 1.839 ha, còn lại là rau xanh, đậu, khoai lang...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa sâu hại vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO