Tại tuyến đường giao thông thuộc thôn 13, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), có một đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở ăn vào mặt đường theo chiều ngang, nguy cơ gây đứt gãy tuyến đường, khiến việc lưu thông của người dân gặp khó khăn.
Tương tự, tại thôn 16, xã Đắk Sin, cũng có một đoạn đường bị sạt lở, ảnh hưởng đến đi lại, lao động sản xuất của bà con. Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sin, các điểm sạt lở này xuất hiện từ năm 2021.
Địa phương, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, giăng dây khu vực sạt lở, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết, đề phòng. Xã đã chỉ đạo lập rào chắn không cho xe ô tô đi qua, nhất là vào thời điểm mưa to, kéo dài.
Cả hai điểm sạt lở trên đã được UBND xã Đắk Sin báo cáo lên cấp trên. Văn phòng Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã kiểm tra, khảo sát hiện trạng để lên phương án bố trí vốn để khắc phục.
Điểm sạt lở đường giao thông tại thôn 13, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) |
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, tại một số địa phương, nhất là các xã dọc sông Krông Nô (Krông Nô) cũng có các khu vực nguy cơ sạt lở đất rất cao.
Trong đó, khu vực bờ sông Krông Nô đoạn đi qua xã Buôn Choáh, xã Đức Xuyên, xã Quảng Phú; bờ suối Đắk Nang; khu sản xuất đồi Tiền Giang ở xã Đắk Nang... đều có tiền sử sạt lở đất.
Theo UBND huyện Krông Nô, những khu vực này, nếu xảy ra sạt lở đất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đất sản xuất, gây ách tắc giao thông, làm mất an toàn của hàng trăm hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Trang, Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir cho biết, hằng năm, vào mùa mưa lũ, địa bàn xã có nhiều điểm sạt lở đất, nhất là khu vực thôn Nam Xuân, Nam Giao.
Trước thực tế trên, xã đã quán triệt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với nguy cơ sạt lở đất. Xã bám sát các bản tin dự báo thời tiết, nhất là cảnh báo nguy hiểm do sạt lở đất để chuẩn bị tốt các phương án khi có tình huống xảy ra.
Hằng năm, chính quyền xã cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực phòng, chống ảnh hưởng do sạt lở, thiên tai có thể gây ra trên địa bàn.
Một điểm có nguy cơ sạt lở đất dọc tuyến đường tránh TP. Gia Nghĩa |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2021, mưa lớn, sạt lở đất đã gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương, nhất là các huyện Krông Nô, Cư Jút, Ðắk Glong, Tuy Ðức.
Trong đó, nhiều khu vực sạt lở đất đã làm thiệt hại về mùa màng, công trình giao thông, nhà cửa của cơ quan, tổ chức. Sạt lở đất cũng đe dọa tính mạng của hàng trăm người dân.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật. Dự báo sẽ có từ 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển đông, gây ảnh hưởng đến nước ta.
Lượng mưa trong năm nay có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, nên sẽ tiềm ẩn các nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất tại nhiều địa phương.
Trước những nguy cơ trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết: Tỉnh đã kiện toàn, củng cố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Đắk Nông nghiêm túc thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước về phòng, chống thiên tai, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhận biết, phòng, tránh thiên tai sẽ được tỉnh đẩy mạnh. Đối với việc khắc phục các điểm sạt lở đất, xảy ra thiên tai sẽ được tỉnh chú trọng thực hiện theo hướng ưu tiên công trình, khu vực nguy cơ cao, trọng điểm, cấp bách.